PDA

View Full Version : Nên bỏ hệ thống trường chuyên lớp chọn



khitkhot
10-08-2007, 10:03
Trong kỳ thi Olympic Toán và Vật lý quốc tế vừa qua, các đội tuyển Việt Nam đã gặt hái rất nhiều thành công lớn. Kết quả trên đây khiến cho mọi người dân nước ta cảm thấy tự hào về tư chất thông minh của người Việt Nam, nhưng...

3 HS Việt Nam đoạt HCV Olympic Toán học quốc tế 2007 với thí sinh quốc tế. Ảnh: Hồng Vĩnh

Chính người viết bài này cũng đã từng tin rằng người Việt Nam có tư chất thông minh vượt trội hơn người dân ở nhiều nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, còn một câu hỏi là vì sao những nước có nền khoa học phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật… nhiều khi chỉ đạt được vị trí rất thấp trong các kỳ thi Olympic quốc tế, thua xa vị trí của Việt Nam.

Phải chăng do tư chất của họ kém người Việt Nam, hay là có một lý do nào khác? Qua thời gian cùng học tập và nghiên cứu với các lưu học sinh từ nhiều nước trên thế giới, thông qua so sánh và tham khảo ý kiến bạn bè cùng là du học sinh Việt Nam tại Pháp, tác giả nhận thấy rằng các sinh viên Việt Nam không thông minh hơn và cũng không kém hơn sinh viên đến từ các nước khác.

Trong số các lưu học sinh Việt Nam có những sinh viên rất suất sắc và cũng có nhiều sinh viên yếu kém, sinh viên đến từ các nước khác cũng vậy. Trong các trường đại học của Pháp có rất nhiều sinh viên đến từ các nước châu Phi, và họ cũng có những học sinh rất giỏi, không thua gì sinh viên đến từ Việt Nam, Trung Quốc.

Tuy nhiên, do hệ thống truyền thông Việt Nam chỉ đưa tin về những lưu học sinh Việt Nam đạt kết quả cao ở nước ngoài nên dễ làm cho nhiều người nhầm tưởng là sinh viên Việt Nam luôn giỏi hơn. Thực ra không phải như vậy, về mặt tư chất thì học sinh Việt Nam và các nước khác không khác nhau là bao nhiêu.

Vậy nguyên nhân nào đã dẫn đến Việt Nam ta luôn có thứ hạng cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế? Xem xét lại hệ thống đào tạo và tuyển chọn học sinh giỏi ở Việt Nam có thể thấy rằng việc lựa chọn và đào tạo học sinh giỏi theo kiểu "gà nòi" đã được thực hiện ở Việt Nam từ rất nhiều năm nay (theo mô hình của các nước xã hội chủ nghĩa trước kia).

Tức là thông qua các kỳ thi, chúng ta tuyển chọn những học sinh giỏi nhất vào hệ thống trường chuyên từ cấp phổ thông cơ sở lên đến phổ thông trung học (PTTH). Học sinh các trường chuyên được "luyện" bởi các thầy cô giáo có chuyên môn và dày dạn kinh nghiệm nhằm mục đích chính là đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi.

Thật ra một hệ thống đào tạo có khả năng lựa chọn học sinh có năng khiếu về các lĩnh vực khoa học và tạo điều kiện cho học sinh phát triển tài năng của mình là một hệ thống ưu việt. Tuy nhiên, trong trường hợp đó, học sinh sẽ được tạo điều kiện để học tập và nâng cao tri thức một cách toàn diện.

Thông qua sự phát triển toàn diện, học sinh nhận ra mình có năng khiếu hoặc yêu thích đặc biệt một lĩnh vực nào đó có thể tiếp tục học lên cao hơn. Trong một hệ thống giáo dục như vậy, những người có năng lực đặc biệt và niềm đam mê riêng luôn có cơ hội để phát triển tài năng của bản thân, do đó, hệ thống giáo dục sẽ đào tạo ra những nhà khoa học thực sự có tài năng và lòng say mê nghề nghiệp.

Ở nước ta, mặc dù chưa có thống kê nào chính xác, nhưng thông qua quan sát của bản thân tác giả, cùng với thông tin đăng tải trên báo chí, cho thấy rằng đa số học sinh tốt nghiệp các trường PTTH chuyên, khi lên đại học đều không theo học tiếp chuyên ngành mà họ đã được đào tạo chuyên ở phổ thông.

Điều đó phản ánh một thực tế là rất nhiều học sinh phổ thông theo học lớp chuyên không phải vì sự say mê một môn khoa học nào đó, mà vì những lý do ngoài khoa học, chẳng hạn như vì phụ huynh ép buộc, vì hãnh diện với bạn bè, vì được xã hội đánh giá cao, v.v..

Có thể nhận thấy rằng mục tiêu chính của hệ thống các trường chuyên ở Việt Nam là đào tạo các thợ giải Toán, Lý, Hoá,… nhằm đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, qua đó sẽ nâng cao thành tích của trường và của địa phương.

Cũng chính vì vậy, việc dạy và học ở các trường chuyên đã bị "cơ khí hóa" gần như hoàn toàn. Chẳng hạn như, thay vì phát triển tư duy toán học thì người ta chú trọng vào việc đào tạo các thợ giải toán, học sinh phải làm sao để nhớ và nhận ra các dạng bài toán, rồi tuỳ theo từng dạng mà áp dụng những cách giải (cách đặt ẩn, biến đổi, …) đã có sẵn.

Tất nhiên, nhờ có tư chất tốt nên tư duy khoa học của học sinh của các trường chuyên cũng tiến bộ rất nhiều, nhưng điều này không phủ nhận tính "cơ khí" bên trong công tác dạy và học ở các trường "đào tạo gà nòi" của chúng ta.

Đối với các trường PTTH không chuyên, do tỷ lệ học sinh tốt nghiệp luôn xấp xỉ 100% và không hơn kém nhau bao nhiêu, nên thứ hạng của các trường phụ thuộc chủ yếu vào kết quả thi học sinh giỏi và tỷ lệ học sinh đỗ đại học.

Để có thứ hạng cao, các trường PTTH không chuyên tiến hành lập ra các lớp chọn theo khối thi đại học tương ứng A, B, C,…Nhiệm vụ chính của các lớp này là đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi và nâng cao tỷ lệ đỗ đại học.

Để đạt được mục đích, các trường ưu tiên tối đa về điều kiện vật chất và tập trung toàn bộ giáo viên giỏi để "luyện thi" cho các lớp chọn. Chẳng hạn như học sinh ở lớp chọn khối A thì sẽ được dạy bởi các giáo viên Toán, Lý, Hoá giỏi nhất.

Giáo viên dạy các môn không chuyên, theo quy ước, sẽ nhẹ tay hơn với học sinh các lớp chọn vì các em phải tập trung vào các môn chuyên. Tất cả những điều này không có trong bất kỳ văn bản nào của ngành giáo dục, nhưng là một thực tế rõ ràng.

Ích lợi của hệ thống trường chuyên, lớp chọn là chúng ta có thể nâng cao được chất lượng đào tạo học sinh giỏi (nhóm này chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số học sinh) ở các môn chuyên (lưu ý chỉ ở các môn chuyên) qua đó lựa chọn được những học sinh giỏi nhất, được đào tạo bài bản nhất để đi tranh giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế.

Điều đó giúp Việt Nam duy trì được vị trí cao vượt trên những nước không đào tạo "kiểu gà nòi" như Anh, Pháp, Mỹ,…chẳng hạn. Thêm vào đó, hệ thống trường chuyên lớp chọn giúp cho những học sinh có năng khiếu và thực sự yêu thích một môn học có điều kiện để phát triển tài năng.

Tuy nhiên những học sinh đạt giải cao trong các kì thi học sinh giỏi không có nghĩa là sẽ trở thành những nhà khoa học suất sắc, vì kiến thức được đào tạo ở bậc học phổ thông là rất thấp, họ cần phải được đào tạo lâu dài trong điều kiện làm việc tốt.

Việc có giải cao trong các kì học sinh giỏi, kể cả kì thi quốc tế, suy cho cùng chẳng nói lên điều gì hay là mang lại lợi ích gì ngoài việc "nâng cao thành tích", vì trong thực tế nước ta vẫn đứng ở nhóm những nước có nền khoa học kém phát triển, kể cả những ngành mà chúng ta có thứ hạng cao trong kì thi Olympic.

Cái hại của hệ thống trường chuyên, lớp chọn

Ngoài những lợi ích trên đây, hệ thống các trường chuyên, trường điểm, lớp chọn gây ra không ít những tác hại đối với sự nghiệp giáo dục của Việt Nam. Theo ý tác giả thì những tác hại đó có thể tóm gọn trong năm ý sau đây:

Một là, việc hình thành hệ thống trường điểm, trường chuyên, lớp chọn đã tạo ra sự bất công trong giáo dục. Trong khi nhà nước dồn ngân sách cho các trường điểm, trường chuyên thì các trường không chuyên tập trung mọi "nhân tài vật lực" vào các lớp chọn để nâng cao thành tích trong các kì thi học sinh giỏi cũng như tỉ lệ đỗ đại học.

Kết quả là những học sinh học ở trường thường, lớp thường sẽ không được quan tâm đúng mức, đôi khi bị đối xử vô trách nhiệm hoặc bị thả nổi. Các thầy cô giáo có năng lực và dày dạn kinh nghiệm được ưu tiên dạy ở lớp chọn, do đó các lớp không chuyên thường phải chịu rất nhiều thiệt thòi…

Hai là, sự phân biệt đối xử giữa lớp chọn, lớp thường trong các trường phổ thông gây tác động tâm lý không tốt đối với học sinh. Các học sinh trường chuyên, lớp chọn sẽ có cảm giác kiêu hãnh quá đáng và đôi khi coi thường các bạn ở lớp không chuyên.

Trong khi đó, các học sinh lớp thường dễ bị rơi vào tâm lí tự ti, mặc cảm. Cả hai hình thái tâm lí này đều gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường giáo dục, nơi mà học sinh cần có sự tự tin, nhìn nhận đúng về bản thân, khiêm tốn, và biết tôn trọng người khác.

Xa hơn nữa, mặc cảm tự ti hoặc kiêu ngạo quá đáng sẽ gây một sự mất thăng bằng về tâm lí và gây ảnh hưởng không tốt đến sự hình thành nhân cách của học sinh.

Ba là, mô hình đào tạo theo kiểu trường chuyên, lớp chọn vừa là hậu quả, vừa là nguyên nhân của căn bệnh thành tích, một căn bệnh trầm trọng của nền giáo dục Việt Nam. Thay vì tập trung nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, người ta tập trung vào việc giành các giải học sinh giỏi, và nâng cao tỉ lệ đỗ đại học.

Tất nhiên là trong một môi trường giáo dục toàn diện và thực chất thì thành tích trong các kì thi học sinh giỏi và tỉ lệ học sinh đỗ đại học phản ánh trung thực kết quả đào tạo nói chung.

Vấn đề ở đây là để đạt được mục đích người ta đã thực hiện những công việc rất phản giáo dục, đó là tách riêng những học sinh có năng lực hơn và ưu tiên đào tạo những học sinh này để lấy thành tích, trong khi số đông học sinh còn lại chịu phần thiệt thòi.

Bốn là, gây ra tiêu cực trong giáo dục. Thực tế cho thấy ở hầu hết các địa phương, phụ huynh học sinh tìm mọi cách để xin cho con em mình vào trường điểm, trường chuyên vì các trường này được ưu tiên về ngân sách nên có chất lượng đào tạo tốt hơn.

Ở các trường phổ thông bình thường thì người ta tìm cách "chạy" cho con em vào học các lớp chọn, vì ở các lớp chọn thì thầy cô giáo giỏi hơn, được nhà trường quan tâm hơn. Đây chính là nguyên nhân làm phát sinh nhiều tiêu cực.

Năm là, gây ra tình trạng "học lệch" và do đó sẽ cho ra lò những học sinh bị "lệch" về kiến thức. Học sinh ở trường chuyên, lớp chọn ngoài việc được ưu tiên hết mức ở các môn chuyên, các môn còn lại (thường được gọi là "môn phụ") coi như được thả lỏng.

Các thầy cô dạy "môn phụ" cũng nới tay hơn đối với học sinh lớp chọn. Còn ở các lớp bình thường thì có thể nói là yếu mọi mặt, từ khâu giáo viên, đến điều kiện học tập, sự quan tâm của nhà trường,.v.v..

Hậu quả là học sinh sau khi tốt nghiệp có trình độ rất thiếu toàn diện, điều này giải thích vì sao kết quả thi ở một số môn như Lịch sử, Địa lý, v.v.. lại thấp đến thế.

Điều tương tự cũng đã xảy ra ở cấp đại học với sự ra đời của các hệ "cử nhân tài năng" đã đẩy các sinh viên còn lại vào hệ "cử nhân không tài năng". Thay vì nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, người ta đã đi theo đường cũ, đó là chọn ra một số sinh viên giỏi, tập trung toàn bộ giảng viên giỏi cũng như điều kiện vật chất để đào tạo ra một số sinh viên có chất lượng cao.

Như vậy là mỗi trường đại học sản xuất ra hai loại sản phẩm "tài năng" và "không tài năng". Trước khi chưa có mô hình cử nhân tài năng thì chất lượng đào tạo chung đã thấp, bây giờ có cử nhân tài năng thì không hiểu chất lượng của số "không tài năng" kia sẽ ra sao.

Thêm vào đó, hàng ngũ sinh viên lại bị chia thành hai đẳng cấp rõ rệt. Bản thân tác giả, trong thời gian học phổ thông cũng từng là học sinh trường chuyên, lớp chọn, do đó cũng đã được hưởng đầy đủ những ưu tiên đối với học sinh chuyên như đã nói ở trên.

Tuy nhiên sau một thời gian học tập ở nước ngoài, có điều kiện quan sát mô hình đào tạo ở các nước phát triển, thông qua so sánh và suy nghĩ thì nhận ra rằng mô hình đào tạo theo kiểu "gà nòi" ở Việt Nam có hại nhiều hơn là lợi.

Việc phân loại học sinh để đào tạo thoạt nhìn thì có vẻ đẹp, giống như một bãi cỏ xén bằng, nhưng nó không hợp với tự nhiên. Mặc dù về qui định thì ngành giáo dục của chúng ta đối xử công bằng với mọi đối tượng học sinh, nhưng mô hình đào tạo thiên lệch đã gây ra nhiều hậu quả làm thay đổi phần nào bản chất tốt đẹp của giáo dục.

Nếu ai có dịp tìm hiểu hệ thống giáo dục phổ thông ở các nước phát triển sẽ nhận ra rằng, mặc dù họ rất khuyến khích học sinh phát triển năng khiếu (học sinh thích Toán, Vật lý, Âm nhạc, Hội hoạ, Kịch, … đều được tạo điều kiện tối đa để học và tìm hiểu theo sở thích của từng em) nhưng không hề có nhóm học sinh nào được đối xử đặc biệt (trừ các học sinh khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, v.v..).

Ở nước họ, học sinh có năng khiếu Toán học không được coi, và do đó các em không tự cảm thấy, là giỏi hơn các học sinh có năng khiếu Văn học, Lịch sử, v.v... Điều quan trọng là phải tạo nên một môi trường giáo dục bình đẳng và công bằng về cơ hội cho tất cả mọi học sinh.

Nên bỏ trường chuyên lớp chọn, hệ cử nhân tài năng...

Để khắc phục các tác hại trên đây của hệ thống trường điểm, trường chuyên, lớp chọn đối với nền giáo dục của nước ta, tác giả xin đề nghị một số giải pháp cụ thể sau.

1. Bỏ kì thi vào đại học. Sinh viên đại học sẽ được tuyển dựa trên kết quả kì thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Tập trung mọi nỗ lực để nâng cao chất lượng kì thi tốt nghiệp PTTH.

2. Chuyển các trường chuyên ở tất cả các cấp thành các trường thường. Xoá bỏ hoàn toàn mô hình lớp chọn ở các trường PTTH. Bãi bỏ việc ưu tiên đầu tư vào các trường điểm ở mọi cấp. Chú trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo chung.

3. Xây dựng hệ thống các môn học, các nội dung tự chọn ngoài chương trình để học sinh có cơ hội phát triển năng khiếu. Chẳng hạn như môn toán, ngoài nội dung bắt buộc theo yêu cầu của chương trình, ở phần tự chọn có thể dậy ở trình độ cao hơn, rộng hơn, nhưng không tính vào điểm tốt nghiệp.

4. Trong các trường học, nên khuyến khích các sinh hoạt tập thể theo kiểu "vừa vui vừa học". Cho phép học sinh thành lập các nhóm, các câu lạc bộ bao gồm những người yêu thích một môn học nào đó, sinh hoạt tự nguyện (ví dụ như "câu lạc bộ toán học" chẳng hạn) có sự tham gia của giáo viên để giúp đỡ các em. Tóm lại là phải tạo điều kiện để các học sinh yêu thích một môn học nào đó có thể phát triển tối đa năng khiếu của bản thân.

5. Giữ nguyên các kì thi học sinh giỏi và các khen thưởng kèm theo. Học sinh đi thi quốc tế sẽ được tuyển từ kì thi học sinh giỏi quốc gia.

6. Xoá bỏ hệ thống cử nhân tài năng ở các trường đại học. Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo chung. Trong trường hợp không đủ điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo thì giảm chỉ tiêu đầu vào. Cũng phải nói thêm rằng, không có một giải pháp trọn gói nào có thể khắc phục triệt để các vấn đề của nền giáo dục Việt Nam hiện nay.

Các đề nghị trên đây chỉ nhằm khắc phục một phần nhỏ các vấn đề đó. Nếu các giải pháp trên đây được thực hiện thì có thể kết quả các kì thi Olympic quốc tế của Việt Nam sẽ bị giảm xuống. Nhưng khi đó chất lượng đào tạo chung sẽ được nâng lên rất nhiều.

Sự lựa chọn tuỳ thuộc vào cái chúng ta cần là một nền giáo dục hiệu quả và nhân bản hay là những thành tích hão.

Nguyễn Thành Nam
NCS Vật lý Trường đại học Grenoble 1 Cộng hoà Pháp

manhhung_vla_rus
10-08-2007, 12:05
Sau khi đọc xong bai viết này, tôi nhận thấy rằng nên duy trì trường chuyên lớp chọn. Nhưng phải quan tâm đến các lớp bình thường hơn nữa. Xin hỏi tác giả nếu ta bỏ hệ thống đó đi thi sao nhỉ? Một lớp mà có sự chệnh lệnh quá lớn về nhận thức của các học sinh thì việc giảng dạy ntn? liệu chất lượng chung có nâng cao không?

xucpotter
30-08-2007, 09:02
Không!, phản đối việc bỏ trường chuyên lớp chọn. Phải cho con em được đào tạo chuyên chứ?? Làm nghề gì cũng phải chuyên nữa là. Nói thật như tui học Toán từ nhỏ, tui thấy chả học văn để làm gì cả, chỉ để đối phó thôi. Sau này tui nghĩ những ai học chuyên sẽ có lợi thế lớn trước những người không chuyên.

calme1202
29-05-2008, 15:02
có vẻ bài nè cũ quá rồi . nhưng tui cũng xin góp ý ! Tôi cũng đã từng 12 năm là học sinh nên tui biết ! mỗi học sinh chỉ có thể giỏi một môn nào đó và thường họ đặt niềm đam mê vào đó ! nếu giờ đòi người ta học đều thì thật là phản khoa học ! không thể bắt galois hay gaut đi làm thơ được !và cũng không thể bảo moda ngừng chút ít thời gian chơi đàn để đi giải phương trình toán học được . Cái chính yếu là cần phải đầy mạnh việc phân ban hơn nữa ! và việc đánh giá học sinh sát hơn nữa để phân luồng được tốt hơn ! ngày xưa khi tôi học lớp 10 thì trong lớp có không ít bạn đã có kiến thức của 3 môn toán lý hóa của lớp 11 rồi ! nhưng cũng lớp tôi có bạn học lớp 10 còn chật vật vì còn chưa lắm được kiến thức của cấp 2! nếu không có trường chuyên lớp chọn thì cứ bắt người học nhanh hơn phải chịu chung giáo trình giống người kém sao !và cứ bắt người kém phải chịu cùng bài kiểm tra và tiến đọ học tập với người khá hơn ư ! có vẻ đó là điệu rất phản tính khoa học và tâm lý học trong giáo dục ! vì như vậy sẽ làm nản học sinh yếu và không phát huy được tiến độ học tập của học sinh khá (thực ra tôi tôi cũng là một ví dụ điển hình thôi : hòi phổ thông tôi rất yếu môn tiếng anh và chỉ mơ có một giáo trình học dạy chậm hơn luyện nhiều cho học sinh yếu như tôi hơn , còn toán lý hóa thì tui thường học trước đến 1 - 2 kì so với tiến trình học trên lớp - sau này vào đại học sợ tiếng anh quá nên tôi đã phải nhảy ngang sang môn Tiếng Pháp học ! và giờ khi tiếng pháp đã có vốn tôi quay về tiếng anh học thì thấy nó dễ hơn ngày xưa rất nhiều ). Cũng có trương hợp học sinh không muốn học , điều đó là luôn có và tôi nghĩ nếu một số học sinh đã không muốn học thì tốt nhất nên cho phân luồng đi học nghề hay học việc ! không nên vì cái gọi là "phổ cập giáo dục" rồi cứ thế cho người ta ngồi nhầm lớp
còn một đề suất nữa là ! không những cho học sinh được học lớp chọn mà nên nghiên cứu cho các em được học vượt lớp và nên xây dựng một mô hình thi để chấp nhận những học sinh có khả năng học vươt lớp ! như vậy sẽ tiết kiệm thời gian của các em hơn ! cũng nên cho một mô hình giáo dục mà ở đây việc học và việc kiểm tra được khách quan hơn ! bạn học ở đâu cũng được nhưng chỉ cần bạn qua được các bài kiểm tra có tính khoa học thì bạn sẽ được cấp chứng chỉ đúng với môn học đó ! đó là một điều thú vị và tuyệt vời ! vị nếu thế người quá tuổi cũng có thể tự học và có thể lấy được những chứng chỉ mà họ đã bỏ qua không có cơ hội học trước đây ! giống như trẻ mồ côi đường phố đó ! họ không có điều kiện học từ bé thì lớn nên nếu họ quan tâm và muốn có chứng chỉ thì học hoàn toàn có thể tự học và thi các chứng chỉ này ! còn nếu một em nhỏ nào đó có khả năng học vượt thì cũng có thể thi và lấy chứng chỉ sớm hơn vài năm so với bạn cùng lứa để được tiếp tục học cao hơn !
trên là một vài ý tưởng cá nhân tui ! cũng xin đưa ra để mọi người tham khảo .