PDA

View Full Version : Cách lập và quản lý một nhóm tự học



it_email
05-04-2012, 09:47
Hi,

Hiện nay việc lập các nhóm tự học rất phổ biến đối với các bạn sinh viên. Từ kinh nghiệm của mình, có một số chia sẻ để các bạn duy trì một nhóm tự học hiệu quả:

1. Xác định rõ mục đích và mục tiêu: Trước tiên bạn cần xác định rõ mục đích của việc lập nhóm tự học của mình. Mục đích đó nên cụ thể và giúp bạn giải quyết một vấn đề nào đó. Ví dụ như lập nhóm tự học để nghiên cứu về việc lập trình web. Sau đó bạn cần có mục tiêu cụ thể cho việc lập nhóm tự học. Mục tiêu này nên nói rõ điều nhóm muốn đạt được trong một khoảng thời gian xác định. Ví dụ: Mỗi thành viên trong nhóm có khả năng viết một trang web đơn giản bằng ngôn ngữ PHP trong thời gian 3 tháng. Nhóm tự học của bạn nên hoạt động trong khoảng 6 tháng. Thời gian hoạt động ít hơn hoặc quá dài có thể sẽ không hiệu quả. Nếu hoạt động ngắn dưới 6 tháng sẽ không có đủ thời gian để nhóm tiếp thu đủ lượng kiến thức cần thiết. Trong khi quá lâu thì nhóm cũng dễ sao nhãng việc học. Như vậy thì sẽ không có hiệu quả trong việc lập và duy trì nhóm tự học.

2. Xác định rõ vai trò của mỗi thành viên: Nhóm tự học cần có một người trưởng nhóm chịu trách nhiệm điều hành nhóm như lên lịch học, tìm địa điểm học, tìm những tài liệu hay…Đồng thời cần có người quản lý quỹ nhóm cho các hoạt động như in, photo tài liệu, đi chơi cùng nhau…Tất nhiên các công việc trong nhóm cần được phân chia cho mỗi thành viên cùng chịu trách nhiệm, không nên chỉ một người làm tất cả các công việc vì như vậy những thành viên khác có thể không ý thức được trách nhiệm duy trì sự hiệu quả của nhóm. Một nhóm tự học cũng không nên có quá nhiều thành viên vì như vậy việc quản lý sẽ khó khăn đồng thời việc học không hiệu quả. Nhóm chỉ nên có từ 4-7 người.

3. Có chương trình học cụ thể: Các thành viên trong nhóm cần cùng nhau tìm hiểu rõ về chương trình học và có một thời gian biểu càng sát sao càng tốt cho việc học. Nhóm nên gặp nhau ít nhất 1 lần mỗi tuần để cùng nghiên cứu một chủ đề. Mỗi lần như vậy cũng sẽ giao trách nhiệm cho một thành viên trong nhóm lên dàn bài để cả nhóm cùng trao đổi, thảo luận. Người này cũng sẽ là người điều phối buổi học. Từng thành viên trong nhóm sẽ luân phiên nhau làm việc này để các thành viên có trách nhiệm trong việc quản lý nhóm cũng như phát triển các kỹ năng như thuyết trình, lãnh đạo.

4. Tìm kiếm cố vấn cho nhóm: Cố vấn là một người có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực mà nhóm đang nghiên cứu ví dụ như một IT Manager là người thích hợp cho vai trò này đối với một nhóm học về quản trị hệ thống hoặc quản trị mạng. Người cố vấn như vậy sẽ giúp cho các bạn sinh viên giải đáp được những thắc mắc trong thực tế công việc cũng như có thể tư vấn cho nhóm một chương trình học hiểu quả. Nhóm nên có thoả thuận về lịch làm việc với cố vấn của mình để tránh trường hợp cố vấn quá bận không giúp được nhiều cho nhóm. Dĩ nhiên 1 nhóm có thể tìm cho mình nhiều cố vấn nhưng cũng không nên quá 3 người.

5. Tạo ra một môi trường học tập cởi mở, khuyến khích tranh luận: Mục đích của một nhóm tự học vốn là để các thành viên phát triển khả năng tự học và năng động hơn. Vì vậy trưởng nhóm tự học cũng như các thành viên trong nhóm cần cùng nhau thống nhất về việc tự do trao đổi và tranh luận trong quá trình cùng học. Ý kiến của mỗi cá nhân nên được tôn trọng và lắng nghe. Đặc biệt nếu có một thành viên nào đó nhút nhát hay ít có ý kiến thì nhóm nên khuyến khích và tạo cơ hội để thành viên này được có cơ hội thể hiện nhiều hơn. Tuy nhiên, nhóm cũng cần quản lý tốt những cuộc tranh luận để tránh sa vào những tranh cãi không đi vào chủ đề chính làm lãng phí thời gian hoặc tạo ra những mâu thuẫn ảnh hưởng đến nội bộ nhóm. Khi này người trưởng nhóm cần thể hiện vai trò điều phối và quản lý của mình trong việc đảm bảo kỷ luật của nhóm.

6. Địa điểm học: Tưởng chừng như rất đơn giản nhưng địa điểm học đóng một vai trò khá quan trọng giúp cho các thành viên có cảm hứng học tập. Chỗ học của nhóm nên ở nơi yên tĩnh và dễ tập trung để tránh sự sao lãng trong lúc học. Ngoài ra nhóm cũng nên thay đổi chỗ học, không nên cố định một nơi để thay đổi không khí của các buổi học. Những nơi lý tưởng để nhóm học gồm có công viên, quán café yên tĩnh, hoặc nhà các thành viên trong nhóm đáp ứng được những yêu cầu trên.

7. Vui chơi và làm từ thiện: Để tăng tính đoàn kết cho các thành viên cũng như thú vị của việc học nhóm, người trưởng nhóm nên tổ chức các hoạt động ngoại khoá như cùng nhau đi xem phim hoặc ca nhạc, tham gia các hội thảo. Những hoạt động từ thiện cũng là một cách hay để nhóm có cơ hội chia sẻ với cộng đồng. Chính những hoạt động ý nghĩa này sẽ giúp cho nhóm có thêm những kỷ niệm đáng nhớ sau này.

8. Tìm kiếm cơ hội áp dụng những gì mình đã học: Mục tiêu của việc lập nhóm tự học là để tiếp thu những kiến thức cần thiết cho công việc vì vậy bạn nên cố gắng áp dụng vào thực tế những gì nhóm đang học. Nếu cùng học về lập trình web thì nhóm có thể cùng nhau tạo ra một trang web mà có thể đem lại một lợi ích nào đó. Ví dụ nhóm viết một website giúp một tổ chức phi lợi nhuận về trẻ em. Việc này không những giúp nhóm có cơ hội thực hành những gì đã học mà còn đem lại giá trị thiết thực từ việc học của mình. Đây cũng sẽ là kinh nghiệm được nhà tuyển dụng coi trọng khi các thành viên trong nhóm đi tìm việc sau này.

Các bạn có thể xem thêm tại bài viết lập nhóm tự học (http://3giosang.com/2012/03/30/lap-nhom-tu-hoc-giai-bai-toan-hong-kien-thuc/) trên blog của mình.