PDA

View Full Version : Tìm hiểu các loại nhạc cụ !!!



tran_hoang
11-12-2006, 11:29
Tôi muốn lập ra Topic này để các bạn có cùng sở thích với tôi,chúng ta hãy cùng chia sẻ với nhau những vấn đề xung quanh âm nhạc nhé.Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình chẳng ai thích âm nhạc tí nào nhưng niềm đam mê đó luôn bên tôi từ hồi cắp sách đến trường.Mỗi lần nghe một bản nhạc,tôi cảm thấy thực sự mình bị cuốn hút mạnh mẽ.... Xin chia sẻ với mọi người những kiến thức về những nhạc cụ của thế giới...


Lịch sử về Guitar

Lịch sử sơ khởi về cây đàn guitar rất mơ hồ . Và bởi không bao giờ có giới hạn cho trí tưởng tượng cùng sự lãng mạn nên tồn tại cùng lúc rất nhiều giả thuyết khác nhau . Thậm chí còn có truyền thuyết về một chiếc mai rùa còn dính những sợi gân đã khô cứng được một vị thần Ai Cập tìm thấy trên bờ biển . Những ngón tay thần linh chạm vào những sợi gân rùa . Âm nhạc thần thánh tuôn trào trên nhạc cụ bộ dây đầu tiên ...

Nhạc cụ bộ dây cổ nhất được tìm thấy tại khu vực Alaja Huyuk ( thuộc bán đảo Anatolie ) có niên đại 1400 trước Công nguyên .
Một pho tượng đá niên đại 400 trước Công nguyên tìm thấy ở Athen ( Hy Lạp ) mô tả hình ảnh một người phụ nữ kiều diễm ôm trong tay một cây đàn . Điều đáng chú ý là tư thế pho tượng rất trùng khớp với tư thế các guitarist ngày nay .

Cây đàn guitar - tất nhiên vẫn trong hình dáng của các thế hệ đàn dây trước đó - di chuyển dần tới Tây Ban Nha , nơi nó tìm thấy quê hương đích thực . Vào khoảng thế kỷ thứ 12 xuất hiện những " Chitarras Latinas " đầu tiên .

Khoảng thế kỷ thứ 15 Vihuela là nhạc cụ đầu tiên mang đầy đủ những đặc trưng của cây đàn guitar . Mặc dù chỉ còn rất ít tiêu bản đàn Vihuela được lưu giữ đến ngày nay nhưng những bản nhạc soạn cho đàn Vihuela đều có thể được chơi trên cây guitar . Độ hoàn thiện của những bản nhạc này cho thấy các nhạc công Vihuela thực sự là những nghệ sĩ lớn .

Những cây đàn guitar đầu tiên được làm tại Ý mang những đặc trưng cơ bản nhất cho một cây guitar với hộp đàn hình số 8 ( ngày nay hộp đàn có xu hướng ngắn hơn ) , 1 lỗ thoát âm duy nhất , 1 cần đàn và các khóa . Cây đàn guitar thời đó thường có 4 dây đôi ( dây kép như Măng - đô - lin ) và 1 dây đơn . Nghệ nhân chuyên làm vĩ cầm Stradivari cũng chế tạo những nhạc cụ như vậy .

Nửa cuối thế kỷ thứ 19 những cây đàn guitar hoàn hảo nhất đã ra đời dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân bậc thầy Antonio de Torres ( 1817 - 1892 ; sinh trưởng tại San Sebastian de Almeria ) . Chỉ riêng với vẻ bề ngoài đơn giản mà vô cùng thanh thoát cây đàn của Torres đã bộc lộ tất cả những phẩm chất tuyệt vời nhất . Torres mang lại cho cây guitar tỉ lệ cân xứng mà chúng ta đều biết . Phía bên trong thùng đàn , Torres thiết kế 1 hệ thống 7 thanh gỗ hình dẻ quạt thay cho 4 hoặc 5 thanh ngang truyền thống . Ông phân chia chúng theo một tỉ lệ chuẩn tới mức tất cả những thử nghiệm về sau này nhằm cải thiện tỉ lệ cũng như kiểu dáng cây guitar đều không thể vượt qua . Torres cũng là người tìm ra độ dài lý tưởng cho các dây đàn : 65 cm . Tất cả những phát kiến này đều gần như hoàn toàn dựa vào trực cảm trong quá trình mày mò tự học , tự làm .
Những cây đàn guitar của Torres được biết đến trước hết bởi chất lượng âm thanh tuyệt vời , mượt mà mà vẫn đầy sức mạnh , cùng với tiếng ngân rất êm và sâu . Nhiều thợ làm đàn hiện đại trong suốt một thời gian dài đã thử nghiệm để chế tạo những cây đàn lớn hơn . Họ mở rộng các tỉ lệ , tăng chiều dài dây đàn lên tới 68 cm ... với mục đích nâng cao cường độ âm thanh của tiếng đàn . Nhưng kết quả lại trái ngược với mong muốn : những cây đàn như vậy quả thật có tiếng lớn hơn , với điều kiện người nghe ngồi thật gần người biểu diễn . Còn trong một phòng hòa nhạc lớn thì độ ngân của chúng không đủ lực để âm thanh tới được với những thính giả ngồi trong các góc xa , vốn là điểm ưu việt trên cây đàn của Torres .

Nói đến những nghệ nhân làm đàn guitar cổ điển nghĩa là nói đến hai tên tuổi Manuel Ramirez ( 1869 - 1920 ) và Herman Hause ( 1882 - 1952 ; người Đức ) , được xem là hai người kế nghiệp lừng lẫy của Torres . Nhưng sau khi Torres mất , Jose - Luis Romanillos mới chính là người học trò cần mẫn và tận tâm nhất của ông . Romanillos viết sách về tiểu sử của Torres , nghiên cứu cặn kẽ lại toàn bộ trước tác của thầy mình . NGhệ nhân làm đàn nổi tiếng ( cũng tự học ) người Thụy Sĩ Werner Schär là một trong những học trò của Romanillos . Những cây đàn do Schär chế tác có thể xem là những cây đàn duy nhất thậm chí đạt tới độ hoàn hảo hơn cả những cây đàn của Torres trong cả vẻ đẹp thẩm mĩ lẫn chất lượng âm thanh .

Trong lịch sử âm nhạc , một trong những giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của cây đàn guitar ở vào thời kỳ vua Ludwig XIV . Mọi tầng lớp trong xã hội , từ các bậc vương giả ( bản thân nhà vua cũng là một nghệ sĩ vô cùng tài hoa ) , cho tới những cô thôn nữ đều say mê guitar . Tuy nhiên cũng chính sự phổ cập này đã mang lại " tai họa " . Những bậc mệnh phụ cung đình không chịu được ý nghĩ rằng họ đang thưởng thức chung một thứ âm nhạc , chơi chung một thứ nhạc cụ với những kẻ hầu người hạ . Vậy là từ những nguyên xã hội cây đàn 6 dây rơi vào sự thất sủng . Suốt một thời kì dài những giai điệu guitar lôi cuốn kì diệu hoàn toàn vắng bóng trong chốn cung đình .

Nhưng cây đàn guitar không biến mất . Những người nông dân hiền lành , những người du mục lang thang vẫn thủy chung với nó . Trong cộng đồng nghèo ấy người ta vẫn chơi nhạc và nhảy múa , vẫn uống rượu và yêu đương , vẫn hội hè đình đám , không ngừng nghỉ , với cây đàn guitar .
Với cảm hứng nghệ thuật từ cuộc sống bình dân , họa sĩ Cavaggio đã sáng lập ra một trường phái nghệ thuật pha trộn giữa tĩnh vật và phồn thực , với những bức tranh tiêu biểu mô tả hình ảnh những cô nàng hầu gái rực rỡ và những anh chàng nông phu vâm vạp đang vui sướng reo hò nhảy nhót thường là xung quanh một cái bàn bị lật nghiêng với trái cây chín mọng , với rượu chảy thành vòi và những tay guitarist đang chơi đàn như điên dại ...

Sau đó cây đàn guitar bắt đầu thời kì chiếm lại đỉnh cao . Những tên tuổi như Fernando Carulli ( 1770 - 1841 ) , Fernando Sor ( 1778 - 1839 ) , Mauro Giuliani ( 1781 - 1829 ) hay Matteo Carcassi ( 1792 - 1853 ) , với những trước tác đã trở nên kinh điển , đã đưa guitar trở lại góp mặt trong các salon quý tộc .
Nhưng tới cuối thế kỉ XIX , guitar lại một lần nữa nhường ngôi vị độc tôn trong âm nhạc cao cấp . Thế vào vị trí đó là cây đàn piano .

Như tôi đã nhắc đến , Torres là một nghệ nhân " thượng thừa " trong lĩnh vực làm đàn guitar . Sử dụng một cây đàn của Torres , guitarist vĩ đại nhất mọi thời đại Fransisco Tarrega ( 1852 - 1909 ) đã phát triển kỹ thuật guitar hiện đại . Ông là nghệ sĩ chỉ chơi guitar và là nhà soạn nhạc chỉ sáng tác cho guitar . Những tác phẩm của ông tận dụng mọi đặc tính và khả năng của cây đàn cũng như " bắt " nghệ sĩ biểu diễn thể hiện tất cả tài năng của anh ta . Mặc dù những tác phẩm của Tarrega luôn mang tính mô phạm nhưng với độ biểu cảm , sự tinh tế và cùng tính lãng mạn chúng không còn là những bài tập kĩ thuật đơn thuần mà đã thưc sự trở thành những báu vật âm nhạc .
Tarrega làm việc không ngừng nghỉ để trả lại cho cây đàn guitar vị trí của nó trong giàn nhạc giao hưởng . Vì mục đích này , bên cạnh việc soạn các tác phẩm mới , ông còn chuyển soạn cho cây đàn guitar rất nhiều những tác phẩm của Chopin , Schumann , Bach ...
Những kỹ thuật của Tarrega được truyền lại tới ngày nay nhờ vào học trò của ông , Miguel Llobet ( 1878 - 1937 ) . Nhà soạn nhạc Brasil Heitor Villa - Lobos ( 1887- 1959 ) được xem là người kế tục và phát triển sự nghiệp âm nhạc guitar cổ điển của Tarrega .

Mặc cho những biến thiên của lòng yêu mến chốn cung đình , cây đàn guitar vẫn luôn chiếm một vị trí xứng đáng trong lòng quần chúng lao động . Tại Tây Ban Nha guitar trở thành nhạc cụ được tôn vinh duy nhất trong dòng nhạc Flamenco với thứ âm nhạc ẩn chứa nỗi lòng thương nhớ quê hương , nỗi luyến tiếc quá khứ của những người tộc Mô- rơ . Biết bao thế hệ nghệ sĩ Flamenco đã nói tiếp nhau giữ gìn và mở rộng dòng nhạc này . Nhưng họ kế nghiệp nhau chủ yếu bằng cách học truyền khẩu nên tên tuổi và âm nhạc của họ cũng chỉ được " truyền khẩu " trong dân gian . Chỉ có duy nhất Ramon Montoya ( 1880 - 1942 ) đã đưa được Flamenco tới các phòng hòa nhạc, ví dụ như các buổi biểu diễn Flamenco tại Salle Pleyel, nơi được biết đến như một thánh địa của chỉ các buổi biểu diễn nhạc cổ điển . Bí quyết thành công của Ramon Montoya nằm ở sự hòa hợp được chất nhạc Flamenco thuần khiết với kỹ thuật guitar cổ điển .

Tuổi thơ Andres Segovia ( 1893 - 1987 ) được ru trong tiếng đàn guitar. Khi lớn lên , Segovia tiếp tục con đường mà Tarrega đã bắt đầu , cùng với cây lục huyền cầm lần lượt chinh phục tất cả các phòng hòa nhạc . Cũng cần nhấn mạnh rằng vị sứ giả nổi tiếng của cây đàn guitar này đã thành công cũng chỉ với sự tự học .

Sau Segovia bắt đầu xuất hiện 1 loạt các tay guitarist trẻ mà guitarist người Ý Emanuele Segre là đại diện xuất sắc cho " thế hệ mới " - thế hệ những gutarist hiện đại . Song song với sự phát triển của dòng guitar cổ điển chính thống còn tồn tại một chi nhánh guitar được phổ biến trong giới bình dân và 1 lần nữa dẫn tới sự lan tỏa mạnh mẽ của guitar ở thập kỉ 70 . Cây guitar gắn với phong trào Hippy thời này một mặt khiến guitar cổ điển bị thờ ơ , mặt khác , dưới sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng điện khí hóa , lại đưa guitar trở thành nhạc cụ phổ thông nhất trong âm nhạc quần chúng . Một chi nhánh quan trọng trong đó là Jazz với guitarist huyền thoại Django Reinhard .

tran_hoang
11-12-2006, 11:30
Lịch sử đàn piano

Đàn piano có tên ban đầu là gravicembalo col piano e forte (đàn clavecin có âm thanh êm ái và mạnh mẽ). Ngày nay cây đàn piano không hổ danh khi được gọi là "ông hoàng của các loại nhạc cụ". ...Với âm vực rộng, âm sắc thánh thót, kiều diễm, khả năng biểu hiện phong phú, nhất là về mặt xử lý cường độ tinh tế - như chính tên gọi của nó. Song để có được như hôm nay, lịch sử cây đàn piano là cả một chặng đường dài với nhiều cải tiến thử nghiệm mà điều then chốt giúp nó trở thành "ông hoàng" lại là ý tưởng của một nhân viên bảo quản bảo tàng nhạc cụ.


Những thủy tổ của đàn piano

Từ đàn Clavicorde...đến Đàn Clavecin và Đàn Piano Hiện đại !

Trước khi lên ngôi vị như hiện nay, piano đã phải sống với một địa vị “thấp kém”, chẳng ai ngó ngàng tới. Lúc đầu, hình dáng nó khác hẳn với cây piano ngày nay và điều đặc biệt là nó đã bắt đầu với chỉ có... một dây - đó là loại đàn độc huyền của người Hy Lạp. Thuở ban đầu, đàn này được dùng làm dụng cụ vật lý và trợ lực thị giác cho các triết gia thời cổ đại và các nhà tu hành thời Trung cổ để nghiên cứu những qui tắc ký âm pháp - một môn khoa học của thời đó.

Một ngày kia, các nhà tu hành mới vào dòng tu ở một tu viện nảy ra ý nghĩ tập hợp nhiều đàn độc huyền lại và cho nó vang lên cùng một lúc để giải trí. Dưới mỗi dây đàn, họ đặt một giá đỡ và đính nó lại với một phím đàn. Khi lấy tay ấn xuống phím, giá đỡ chạm vào dây đàn và phát ra âm thanh. Đó là sự xuất hiện cây đàn phím đầu tiên - đàn clavicorde. Song vào thời đó (khoảng thế kỷ thứ 10), những giáo sĩ Trung cổ xem các tập hợp âm là sự phạm thượng vì Thượng đế chỉ thích các con chiên đồng ca một bè. Trong lúc đó, các nhạc sĩ dân gian đã sử dụng lối hát nhiều bè từ lâu. Vì vậy đàn clavicorde đã nhanh chóng vượt khỏi ranh giới nhà thờ để hòa mình vào đời sống âm nhạc “trần tục”.

...đến đàn clavecin - thủy tổ của đàn piano hiện đại.

Hoà mình với cuộc sống những nghệ sĩ dân gian, đàn clavicorde chẳng hề cô độc vì chẳng bao lâu sau đó nó có một người bạn đang trưởng thành, đó là clavecin. So với clavicorde, đàn clavecin có những ưu điểm như: rất nhiều dây, mỗi phím ứng với một hoặc nhiều dây, trong lúc đàn clavicorde có khi có 4-5 giá đỡ và phím cho một dây (đến thế kỷ 18, clavicorde mới có số dây bằng số phím). Âm thanh của clavecin được tạo ra không phải là những giá đỡ chạm vào dây như của clavicorde mà là những lông quạ gảy vào dây, chính vì vậy mà âm thanh rõ ràng, trong sáng hơn. Âm thanh của nó đã mau chóng chinh phục mọi người, nó chỉ có một nhược điểm là dù tác động lên bàn phím mạnh hay nhẹ, âm thanh cũng phát ra với cường độ như nhau và đó cũng chính là điểm mấu chốt cần khắc phục để có thể nó lên ngôi.

Đàn clavecin đầu tiên có hình chữ nhật sau đó nó được cải tiến có hình cánh chim thanh thoát như cây grand-piano hiện nay. Thêm vào đó, các nhà chế tạo đàn còn bổ sung các họa tiết trang trí cầu kỳ, sơn và đánh bóng thật đẹp, nó trở thành vật trang trí và là nhạc cụ thời thượng không thể thiếu trong các phòng khách quí tộc. Ngoài ra, clavecin được cải tiến một số chi tiết đáng kể như: các lông quạ được thay bằng các đũa gảy bằng da hoặc kim loại, dây đàn bằng ruột súc vật thay bằng đồng thau. Nhạc cụ có âm thanh vang hơn và mang màu sắc mới. Song mặc dù được cải tiến nhiều, các nhạc sĩ rất ưa thích nó, nhưng họ cũng muốn clavecin có thể thay đổi cường độ để tạo những sắc thái tình cảm, muốn âm thanh ngân dài hơn, phong phú và truyền cảm hơn...

Dù đã được cải tiến rất nhiều nhưng clavecin chưa thật sự làm hài lòng các nhạc sĩ.

Vào khoảng cuối thế kỷ 17 tại Bảo tàng nhạc cụ thành phố Florence nước Ý, có một nhân viên quản lý tên Bartolomeo Cristofori. Ông suốt đời sống giữa các cây đàn clavicorde, clavecin và tâm trí luôn nghĩ tới những dự kiến cải tiến đàn clavecin. Phát minh của ông rất đơn giản: thay các que gảy dây bằng các búa nhỏ đập vào dây, đập mạnh hay yếu ta sẽ có được âm thanh lớn hoặc nhỏ. Thật ra điều này không phải là mới, thời cổ xưa người ta đã chơi đàn tympanon bằng cách gõ vào dây. Vấn đề ở chỗ là làm cho búa gõ lên dây đàn liên hệ chặt chẽ với lực tác động lên bàn phím, để ấn mạnh lên phím đàn sẽ có âm thanh lớn, ấn nhẹ thì có âm thanh nhỏ hơn.

Người ta không biết Bartolomeo Cristofori mất bao nhiêu thời gian và thử nghiệm bao nhiêu giải pháp, nhưng năm 1709 những người đến bảo tàng Florence đã có thể chiêm ngưỡng bốn cây đàn clavecin cải tiến do ông chế tạo với cái tên gọi mới cũng do ông đặt là gravicembalo col piano e forte (mà sau này người ta gọi tắt là piano). Giải pháp ưu việt cuối cùng của ông là tạo ra một thiết bị tinh xảo gồm một đòn bẩy kép có gắn một búa nhỏ, nhẹ, bọc da, gắn với phím đàn và chịu tác động trực tiếp của lực tác động lên phím. Búa đập vào dây đàn để tạo âm thanh và có bộ phận tắt âm bằng dạ khi ngón tay không còn ấn xuống phím đàn nữa.

Những cây đàn này sau đó được trình cho người bảo trợ ông là công tước Ferdinand de Médicis và vào năm 1711, Scipione Maffei đã miêu tả nhạc cụ này trong tạp chí “Văn chương nước Ý”.

Tuy đàn piano có nhiều ưu điểm, nó vẫn chưa được các nhạc sĩ dùng ngay và Bartolomeo Cristofori đã chết trong nghèo túng vào năm 1731, không kịp chứng kiến phút đăng quang của đứa con do mình tạo ra và bản thân ông cũng không được nhiều người biết đến.

Đàn piano sau đó được các nhạc sĩ như J.S.Bach, W.A.Mozart, L.V.Beethoven tiếp nhận và thổi vào cho nó những giai điệu mê hoặc. Cùng với sự nhạy cảm về cường độ, âm thanh trong sáng, kiều diễm, nhiều sắc thái, các phòng hòa nhạc đã mở toang cửa đón nhận nó.

Đàn piano hiện đại

Đàn piano với âm thanh và sắc thái phong phú, tinh tế, khi thì vang dội như sấm sét, khi thì nhỏ nhẹ, êm ái, đã chinh phục được giới nhạc sĩ cũng như người yêu âm nhạc. Thành công ban đầu của đàn piano đã thúc đẩy các nhà chế tạo nhạc cụ tiếp tục cải tiến để làm nó ngày càng hoàn hảo. Đàn piano ngày nay là sản phẩm cải tiến của rất nhiều thế hệ nghệ nhân chế tạo đàn. Hiện nay đàn piano đã đạt tới sự hoàn chỉnh về cơ học, một động tác nhấn nhẹ lên phím cũng truyền đến được dây đàn. Ngay cả những khi thực hiện kỹ thuật trémolo với tốc độ nhanh nhất và sắc thái nhẹ nhất, đàn vẫn không bị "nghẹt tiếng".

Cho đến ngày nay, những cải tiến đáng chú ý có thể kể như sau: việc phát minh ra hệ thống pédal (bàn đạp) để ngân dài âm thanh hoặc tắt âm thanh theo ý muốn. Dây đàn cũng được thay đổi, trước đây người ta dùng dây bằng đồng thau thay cho ruột súc vật, ngày nay dây đàn dùng một lõi thép đặc biệt bên ngoài quấn dây đồng cho chất lượng âm thanh tốt hơn. Việc bố trí dây đàn cũng có nhiều thay đổi, người ta có thể căng 2 hoặc 3 hàng dây chồng lên nhau, giảm bớt được diện tích mà tăng được số lượng âm thanh. Dây đàn cũng được kéo căng hơn để cho những âm thanh sáng, vang, trong hơn... Cũng chính vì thế mà khung mắc dây của đàn phải chịu một lực căng rất lớn (khoảng 20 tấn), nên khung mắc dây đã được thay bằng một khung bằng gang.

Tuy những cải tiến giúp chúng ta có được cây đàn piano hoàn hảo như ngày nay, nhưng tất cả đều dựa trên phát minh của Bartolomeo Cristofori. Để tưởng nhớ công lao của Bartolomeo Cristofori, 150 năm sau khi ông mất, người ta đã dựng một đài tưởng niệm tại thành phố Padoue - nơi chôn nhau cắt rốn của ông.

linktome
11-12-2006, 11:47
Ngày nay trong tất cả các ban nhạc tài tử cải lương, đàn guitar phím lõm phím lõm đóng một vai trò quan trọng và là nhạc cụ không thể thiếu của ban nhạc. Chúng ta không phủ nhận vai trò của các nhạc cụ khác như: tranh, nguyệt, nhị... nhưng có thể nói rằng guitar phím lõm là linh hồn của ban nhạc tài tử cải lương.


Đàn guitar phím lõm

Guitar phím lõm còn có các tên gọi khác như: guitar vọng cổ, guitar cải lương, lục huyền cầm. Đó là loại nhạc cụ độc đáo của Việt Nam được biến cải dựa trên cây đàn guitar của phương Tây trong quá trình phát triển của loại hình âm nhạc tài tử và cải lương ở Nam bộ.

Để có được cây đàn guitar phím lõm như hôm nay, đó là cả một quá trình thử nghiệm, chọn lọc với nhiều nhạc cụ phương Tây khác nhau và chính ngay cây guitar phím lõm tự nó cũng đã là một quá trình điều chỉnh, cải biến để phù hợp với loại hình âm nhạc đòi hỏi những khả năng biểu hiện tình cảm, kỹ thuật đa dạng và phong phú. Đầu thập niên 30 của thế kỷ trước, guitar xuất hiện trong nhạc tài tử cải lương rồi chìm vào quên lãng, mãi đến những năm cuối thập niên 30, khi nó được các tay đờn lão luyện của âm nhạc tài tử cải lương khoét lõm phím và thổi vào nó những "chữ đờn" mê hoặc lòng người, giới tài tử cải lương mới công nhận rằng nó là nhạc cụ không thể thiếu trong các ban nhạc của mình và guitar phím lõm được sủng ái từ đó...

Câu hỏi "Tại sao phải đi thử nghiệm các loại nhạc cụ Tây phương để bổ sung cho dàn nhạc tài tử?" vẫn còn một lời giải đáp ẩn. Cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu cụ thể nào trả lời câu hỏi đó. Các nhạc cụ dân tộc của chúng ta không chuyển tải hết nội dung của âm nhạc tài tử cải lương buộc các nghệ nhân phải tìm những nhạc cụ khác để bổ khuyết hay đó chỉ là một sự thử nghiệm với tính chất hiếu kỳ?

Mặc dù ngày nay, guitar phím lõm không còn xa lạ gì với người dân Việt Nam, nhất là đối với khán thính giả cải lương. Song hiểu thấu đáo cội nguồn của cây đàn này không phải là điều đơn giản. Cho đến nay còn rất ít sách vở nói về lai lịch của nó.

Trong một số sách chuyên khảo về nhạc cải lương như: Tìm hiểu âm nhạc cải lương (Đắc Nhẫn), Sân khấu cải lương (Gs. Hoàng Như Mai) không thấy đề cập nhiều đến cây đàn ghi-ta phím lõm. Trong Nhạc khí dân tộc Việt (Võ Thanh Tùng), phần nhạc khí guitar phím lõm chỉ đi vào khía cạnh tính năng nhạc cụ... Chỉ có tài liệu duy nhất tương đối đầy đủ (tuy chưa có điều kiện phổ biến rộng rãi) đó là công trình nghiên cứu dày hơn 100 trang của nhạc sĩ Kiều Tấn với tựa đề "Tìm hiểu cây đàn ghi-ta phím lõm trong âm nhạc tài tử và cải lương" (luận văn tốt nghiệp đại học khoa Lý luận âm nhạc - Nhạc viện Tp.HCM 1991-1992).

Violoncello, violin và piano thử chơi nhạc tài tử cải lương

Năm 1927, tại Sài Gòn có ông Jean Tịnh rồi ông Sáu Hiệu thử dùng violoncello để chơi một số bài bản tài tử cải lương nhưng không thành công do âm vực đàn quá trầm.

Sau đó ông Jean Tịnh tiếp tục thử nghiệm với cây đàn violin, có khi có sự phụ họa piano của một người bạn Pháp. Cùng thời điểm này, ở Sóc Trăng có các ông Sáu Tài, Bảy Cảnh cũng dùng violin để chơi nhạc tài tử. Âm thanh violin mềm mại, truyền cảm, gần với giọng hát, có thể chơi được các bài bản hơi Nam và hơi Bắc. Vì vậy một số nghệ nhân đàn cò nổi tiếng thời bấy giờ đã dùng violin để chơi nhạc tài tử cải lương. Sự thành công bước đầu đó thúc giục giới nhạc công nhạc tài tử cải lương tiếp tục những thể nghiệm với những nhạc cụ khác của phương Tây.

Mandolin vào cuộc - "dây xề bóp" và "dây xề buông"ra đời

Vào khoảng năm 1930 ở Rạch Giá có các ông Giáo Tiên, Bảy Thông, Ba Lạc, Năm Lắm... rất nổi tiếng trong việc dùng mandolin để chơi nhạc tài tử, cải lương. Song đứng về góc độ của một nhạc công, họ cũng chưa hài lòng lắm vì mandolin âm thanh sáng, trong trẻo nhưng với hệ thống phím điều hòa, nó chỉ đàn được những bản hơi Bắc, còn các bản hơi Nam thì không xử lý được và nhất là thiếu sự trầm ấm gần gũi với giọng hát. Cũng chính vì nhược điểm này mà một số người chuyển qua dùng guitar. Tuy nhiên, có lẽ do người thử nghiệm đàn guitar không phải là những tay đờn cự phách và guitar vẫn chưa được khoét phím lõm nên không lưu lại ấn tượng gì trong giới nhạc tài tử cải lương, để rồi guitar chìm vào trong quên lãng.

Để chơi được các bản hơi Nam, các nhạc công đã liên tưởng đến cây đàn nguyệt với những phím sâu dùng để nhấn ngón, thế là người ta khoét lõm phím đàn của mandolin, và mandolin phím lõm ra đời.

Vào khoảng năm 1934-1935 các ông Hai Nén và Hai Nhành là những người đầu tiên sử dụng mandolin phím lõm.

Mandolin phím lõm mắc dây đơn (thay cho dây đôi) và dùng hệ thống dây: Sol, Do, Sol, Ré thay cho hệ thống dây: Sol, Ré, La, Mi. Trong giới nhạc lúc bấy giờ gọi là "dây xề bóp" (vì phải bấm nốt Xề trên dây Xàng - "bấm" gọi nôm na là "bóp").

Không lâu sau, người ta thấy rằng, nốt Xề với nốt bấm không hiệu quả bằng nốt Xề dùng trên dây buông. Vì vậy, người ta lên dây Xàng (nốt Do) cao hơn 1 cung để thành dây Xề (nốt Ré). Hệ thống dây bây giờ đổi lại là : Sol, Ré, Sol, Ré. Hệ thống dây này được gọi là "dây xề buông".

Guitar phím lõm - ông hoàng của dàn nhạc tài tử cải lương xuất hiện

Mandolin phím lõm ra đời, tuy đã giải quyết được vấn đề trình tấu những bài bản thuộc hơi Nam, nhưng kỹ thuật diễn tấu đã gây nhiều khó khăn cho nhạc công. Đầu tiên, độ căng cứng của dây đàn mandolin làm cho nhạc công quá đau tay với những ngón nhấn, phím đàn quá hẹp khó nhấn sâu, không phù hợp cho việc đệm bài Dạ cổ hoài lang giọng nam ca. Trong lúc này, bài Dạ cổ hoài lang đã chuyển qua nhịp 8 và là bài bản chủ đạo đang tung hoành trên các sân khấu cải lương. Thêm vào đó, âm vực không trầm ấm, không mềm mại khó tạo được sự "mùi mẫn". Mandolin phím lõm chưa đáp ứng được hết những đòi hỏi của nhạc tài tử cải lương.

Trong lúc mandolin phím lõm chưa chinh phục được giới nhạc tài tử cải lương và chưa kịp đặt cho mình một cái tên thì năm 1937 đàn guitar "tái xuất giang hồ". Nhưng lần này, guitar mang diện mạo khác, đó là các phím đàn được khoét lõm như mandolin phím lõm. Người thực hiện khoét lõm cây đàn guitar và thay những dây nylon bằng dây kim loại có thể là ông Trần Bửu Lương (Mười Út) - một nghệ nhân đồng thời là một thợ làm đàn guitar ở Sài Gòn.

Ông Chín Hòa được xem là người đầu tiên sử dụng guitar phím lõm để đàn vọng cổ với đĩa hát Asia thu bài Dạ cổ hoài lang nhịp 8 Nặng gánh nợ đời do nghệ sĩ Năm Nghĩa ca. Và cũng từ đó, mandolin phím lõm nhường bước trước sự phát triển và không ngừng hoàn thiện của guitar phím lõm.

Đầu tiên đàn guitar phím lõm ra đời được mang tên là "lục huyền cầm" tuy nó chỉ có 4 dây. Cho đến ngày nay, nó được sử dụng phổ biến với hệ thống gồm 5 dây, đó là cả một quá trình cải biến, điều chỉnh với sự đóng góp của nhiều nghệ nhân danh tiếng trong làng nhạc tài tử cải lương.

Những bước phát triển để hoàn thiện của guitar phím lõm

Dây Sài Gòn

Ông Chín Hòa là người đầu tiên đờn bài vọng cổ bằng guitar phím lõm để thu âm, nhưng tiếng đờn của ông chưa được mượt mà, êm ái, vì ông là người chơi đàn nguyệt. Để mọi người thật sự thích thú, say mê tiếng guitar phím lõm phải kể đến công lao và tài nghệ của hai ông Ba Kéo và Armand Thiều ở Sài Gòn. Hai ông đã tạo nên một phong cách chơi đàn được giới tài tử cải lương Nam bộ tôn trọng như một "trường phái" của Sài Gòn. Cũng từ đó, tuy hệ thống dây các ông đang dùng là hệ thống "dây xề buông" nhưng được mọi người hâm mộ và gọi là "dây Sài Gòn".

Dây Rạch Giá

Khoảng năm 1938, xuất hiện một lối đánh vọng cổ nghe khác hẳn "dây Sài Gòn", đầu tiên được ông Trần Bửu Lương (Mười Út) chơi và sau đó là các ông Mười Còn, Bảy Hàm... Hệ thống dây này là hệ thống dây đàn mà ông Giáo Tiên ở Rạch Giá đã thử nghiệm trên đàn mandolin vào khoảng năm 1930 như đã nói trên, nên nên người ta gọi là "dây Rạch Giá". Người đầu tiên sáng tạo ra các chữ đàn vọng cổ trên "dây Rạch Giá" cho guitar phím lõm là ông Mười Út.

Đàn octavina

"Dây Sài Gòn" và "dây Rạch Giá" chỉ thuận tiện cho thế bấm ngón tay khi bậc hò là Sol (giọng nam), còn khi bậc hò là Ré (giọng nữ) thì bị tréo ngón tay. Để đàn với bậc hò là Sol mà không có cảm giác phải ca "lòn" đối với giọng nữ, người ta nghĩ đến việc thu nhỏ kích thước cây guitar phím lõm lại. Vì vậy, khoảng năm 1938-1939 một kiểu đàn mới ra đời, cây đàn này nhỏ hơn guitar nhưng lớn hơn mandolin và người ta đặt cho nó tên gọi là "ghi-ta măng-đô". Điều đáng chú ý là cây đàn này có có bàn phím dày và độ lõm cũng được khoét sâu hơn. Âm sắc lạ và cả nam lẫn nữ đều ca chung trên một bậc hò nên được nhiều người ưa thích. Theo ông Giáo Thinh, sở dĩ cây đàn này sau được gọi là octavina, có lẽ do viết tắt từ 2 chữ: octave (quãng 8) và Việt Nam mà ra.

Dây Tháp Mười (dây hò đậy)

Ở thời điểm này, dây đàn guitar phím lõm cũng như octavina dùng dây số 1 và 2 có tiết diện tương đối lớn nên độ căng của dây khá cứng, gây khó khăn trong diễn tấu. Để khắc phục tình trạng này, khoảng năm 1941-1942, các nghệ nhân vùng Tháp Mười đã hạ thấp cao độ dây xuống (thường là quãng 4 đúng) để dây chùng, bấm nhẹ tay hơn. Vì dây chùng thấp xuống nên khi đờn, các bậc hò phải tăng cao lên, bậc hò là Sol trước đây đờn ở ngăn thứ 5 thì bây giờ phải đờn ở ngăn thứ 10. Do đó, các bậc hò không rơi vào dây buông mà rơi vào ngón bấm, người ta gọi hệ thống dây này là "dây hò đậy" ("đậy" có nghĩa che lại, chỉ các ngón bấm). "Dây Tháp Mười" có ưu điểm là dây mềm, dễ nhấn nhá nhưng thế tay phải bấm liên tục, trên thực tế ít người sử dụng và không phổ biến lắm.

Dây tứ nguyệt

Các dây "Sài Gòn", "Rạch Giá" không đáp ứng được bậc hò cho giọng nữ, đàn octavina cũng chỉ là một biện pháp tình thế mang tính chất thay đổi âm sắc, dây "Tháp Mười" chỉ là vấn đề kỹ thuật. Bản chất việc giải quyết bậc hò cho giọng nữ cho đến thời điểm này vẫn chưa được giải quyết. Vào khoảng năm 1942-1943, hệ thống dây dành cho giọng nữ ca được ra đời gọi là "dây tứ nguyệt". Hệ thống "dây tứ nguyệt" như sau:

Giải thích về chữ "tứ nguyệt" có người cho rằng đó là một cách gọi văn hoa như kiểu "dây tố lan" trong đàn nguyệt, song cũng có người giải thích rằng: "tứ" là bốn (4 dây), "nguyệt" là đàn nguyệt (mắc dây theo cách mắc dây đàn nguyệt). Một thời gian ngắn sau đó người ta thêm vào "dây tứ nguyệt" một dây số 5 nữa, đó là dây Ré như sự mở rộng bồi thêm một quãng 8 dưới của dây số 3 (Ré). Với tầm âm phù hợp với giọng hát, "dây tứ nguyệt" đàn bài vọng cổ nghe ngọt ngào, mùi mẫn, và nó có thể đàn được tất cả các bài bản tài tử cải lương một cách thoải mái. Thế là guitar phím lõm giành lại vị trí quan trọng trong dàn nhạc mà một thời gian ngắn vừa qua rơi vào octavina. Giai đoạn này nổi lên nhiều danh cầm guitar phím lõm như: Sáu Lời, Ba Lích, Tư Long, Văn Vĩ...

Dây lai - thử nghiệm có giá trị cao cho tới ngày nay

"Dây tứ nguyệt" tuy có nhiều ưu điểm hơn so với tất cả các thử nghiệm, song khi đàn bậc hò Sol cho nam ca thì thế tay vẫn chưa thuận tiện. Vào khoảng năm 1948-1949, để đáp ứng sự đa dạng trong ca diễn của sân khấu cải lương với nhiều loại bài bản và nhiều bậc hò khác nhau, các nghệ sĩ cải lương đã cải tiến "dây tứ nguyệt" thành một loại dây mới gọi là "dây lai", sự thay đổi của "dây lai" từ "dây tứ nguyệt" đó là dây số 4 - dây Xề (nốt La) được hạ xuống thành Xàng (nốt Sol). "Dây lai" có cấu tạo:

"Dây lai" là sự kế thừa các loại dây Sài Gòn, Rạch Giá, Xề bóp và Tứ nguyệt như sau:

- Bốn dây số 5, 3, 2, 1: lai "dây tứ nguyệt"
- Ba dây số: 4, 3, 2: lai "dây Rạch Giá"
- Ba dây số: 4, 3, 1: lai "dây Sài Gòn"
- Hai dây số: 4, 1: lai "dây xề bóp"

"Dây lai" có thể xem như hệ thống dây tương đối hoàn chỉnh, nó có khả năng chơi tất cả các bài bản cổ cũng như các bài bản mới, đặc biệt trong sân khấu cải lương, nó có thể đánh hợp âm đệm cho các sáng tác mới như guitar. Sau hệ thống "dây lai", tuy có nhiều thử nghiệm như "dây Ngân giang", "dây Bảo Chánh", "dây bán Ngân giang", hoặc một số thử nghiệm mắc hệ thống 6 dây, 8 dây - tuy nhiên cho đến nay, đã hơn nửa thế kỷ qua, chưa có một thử nghiệm nào chứng minh là ưu việt hơn "dây lai". Thời gian dài này cũng là thời gian đã xuất hiện nhiều tay đờn trứ danh của nhạc tài từ cải lương như: Năm Cơ, Bảy Bá, Văn Vĩ, Tư A, Văn Còn, Hai Thơm... Trong đó, nghệ sĩ Văn Vĩ được xem như là "đệ nhất danh cầm guitar phím lõm miền Nam" và các nghệ sĩ Văn Vĩ, Năm Cơ, Bảy Bá được xem là "tam hùng".

tran_hoang
11-12-2006, 12:47
Tobe continue........

Nhạc cụ bộ dây

Bộ dây gồm bốn nhạc cụ là violon, alto, violoncello và contrebass. Số lượng nhạc công của bộ dây chiếm gần 2/3 số lượng nhạc công của dàn nhạc giao hưởng. Tất cả các nhạc cụ bộ dây đều phát âm chủ yếu bằng cách dùng vĩ (archet) tác động vào dây đàn, cần đàn không có phím giống như guitare hoặc mandoline mà chỉ là những phím tưởng tượng.

Về hình dáng cả bốn loại đàn đều có chung một mẫu cấu tạo, chỉ khác nhau về kích thước. So với các bộ khác như bộ đồng hoặc bộ gỗ thì bộ dây phong phú về kỹ thuật, kỹ xảo và khả năng thể hiện rất đa dạng. Ta có thể kể đến những ưu điểm của bộ dây như sau:

- Kỹ xảo phong phú như: kéo bằng vĩ (archet), bật dây bằng ngón tay (pizzicato), lấy sống lưng archet đập vào dây (col legno), kéo archet gần ngựa đàn (sul ponticello), kéo archet gần phía cần đàn (sul tasto), dùng dụng cụ hãm thanh (sourdine)…. Tạo nên nhiều màu sắc, hiệu quả thú vị.
- Âm sắc bộ dây của bộ dây gần với âm sắc giọng hát, có tính chất ca xướng và có tiếng ngân rung (vibrato) rất gợi cảm. Toàn bộ âm thanh bộ dây là một khối đồng chất tính từ âm trầm nhất đến âm cao nhất. Bộ dây là bộ duy nhất trong dàn nhạc giao hưởng có thể tự đảm nhận toàn bộ hoà thanh mà không cần sự hỗ trợ của các bộ khác.
- Có thể biểu hiện mọi sắc thái, cường độ - từ nhẹ nhàng, uyển chuyển, cho đến những tính chất hùng mạnh, kịch tính, kể cả sự thay đổi cường độ đột ngột. Viết cho bộ dây không hạn chế về độ dài của câu nhạc (khác với bộ gỗ và đồng, nếu viết câu nhạc dài, nhạc công sẽ không đủ hơi để thổi) và không hạn chế về những vấn đề kỹ thuật biểu diễn.

Do những đặc điểm trên mà bộ dây được nhiều nhạc sĩ ưa chuộng, đã có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng cho bộ dây, trong dàn nhạc giao hưởng bộ dây được xem là nền tảng của dàn nhạc. Sau đây chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu từng nhạc cụ của bộ dây.

Violon

(Tiếng Pháp: violon, Ý: violino, Anh: violin, Trung Quốc: tiểu đề cầm)

Violon được ghi nhận là xuất hiện tại Ý vào năm 1500, song xuất xứ của nó thì vẫn có nhiều giả thuyết. Trên tường của toà tháp nhà thờ nữ thánh Sophie ở thành phố Kiev có một bức tranh được vẽ vào thế kỷ 11, vẽ một người cầm đàn giống như violon tỳ vào lõm vai và dùng một “que” đặt lên đàn (như archet của violon), đó là chi tiết thời gian xưa nhất có thể nói đến thủy tổ của violon. Những nhạc cụ được xem là thủy tổ của violon có thể kể là: ravanastron (Ấn Độ), rebab, rebec, viole... Trong dó đàn viole là cây đàn có hình dáng giống violon hiện đại nhất.

Đàn violon là nhạc cụ linh hoạt về kỹ thuật, kỹ xảo có thể diễn tả đa dạng những sắc tình cảm. Chính những ưu điểm đó violon là một nhạc cụ độc tấu được nhiều nhạc sĩ ưa chuộng và nó được mệnh danh là "ông hoàng trong dàn nhạc".

Trong dàn nhạc giao hưởng - thính phòng, violon thường được chia làm hai nhóm là violon I và violon II. Violon là một nhạc cụ khó tập luyện, để trở thành những violist tài năng, thường người ta đào tạo từ lứa tuổi rất nhỏ (lứa tuổi học tiểu học), vì vậy ngoài loại đàn violon thông dụng dùng cho người lớn còn có các loại violon nhỏ hơn dùng cho trẻ em đó là (violon) cỡ 1/2 và 3/4. Khi chơi violon, người ta có thể đứng hoặc ngồi, đặt đàn vào lõm vai và tì cằm lên đàn.

Đàn violon gồm có 4 dây cách nhau một quãng 5 đúng.

Dây Mi tươi sáng, vang, càng lên cao càng sắc. Dây La âm thanh dịu dàng và mềm mại hơn. Dây Ré âm thanh đầy đặn, dịu, gần với giọng hát. Dây Sol âm thanh đầy đặn, mãnh liệt, có kịch tính.
Âm thanh violon đẹp, rực rỡ, tươi sáng có khả năng biểu hiện nhiều trạng huống tình cảm như: say sưa, trìu mến, trữ tình, tươi tắn, kiêu hãnh, nhẹ nhàng, kịch tính… nó có thể đạt sắc thái từ cực lớn đến cực nhỏ, về tốc độ nó có thể diễn tả những nét nhạc nhanh, linh hoạt mà không nhạc cụ nào trong dàn nhạc bì kịp.

Trong dàn nhạc sự kết hợp thông thường là với các nhạc cụ cùng bộ, ngoài ra nó còn có thể kết hợp tốt với bộ gỗ, đối với bộ đồng vì âm sắc không hòa hợp nên ít có sự kết hợp, ngoại trừ kèn cor. Khi kết hợp với bộ gỗ violon làm dịu bớt âm thanh của kèn gỗ.

Alto


Tiếng Pháp: alto hoặc violon alto, Anh: viola, Ý: viola, Trung Quốc: trung đề cầm.

Về cấu trúc đàn alto giống như violon nhưng kích thước lớn hơn, tư thế chơi đàn cũng giống như violon. Đàn có bốn dây như violon nhưng âm thanh thấp hơn các dây của violon một quãng năm đúng. Do kích thước lớn hơn nên các phím đàn tưởng tượng cũng lớn hơn, vì vậy những kỹ thuật tay trái có một số xử lý khác so với violon. Alto hơi nặng nề, không linh hoạt bằng violon.

Alto dùng khóa Do3, lên cao thì dùng khóa Sol.

Dây số 1 (La) hơi sắc hơn các dây khác, mang âm thanh giọng mũi. Dây số 2 (Ré) dịu, hơi mờ. Dây số 3 (Sol) và dây số 4 (Do) âm thanh dày, đặc, đậm đà và kịch tính. Âm sắc alto nói chung nghiêng về giọng nữ trầm, khiêm tốn, kín đáo, không sáng bằng âm thanh của violon.


Do tính chất âm thanh và kỹ thuật không thể sánh bằng violon nên viola thường ít độc tấu hơn. Trong dàn nhạc nó được kết hợp với các nhạc cụ cùng bộ, xem như cầu nối giữa violoncello và violon, và nó thường đóng vai trò phụ hoạ hơn vai trò chính. Với các nhạc cụ khác bộ nó thường kết hợp với kèn gỗ mà ít khi kết hợp với các kèn đồng.

Violoncello

Tiếng Pháp: violoncelle, Anh: cello hoặc violoncello, Ý: violoncello, Trung Quốc: đại đề cầm.

Violoncello cũng có bốn dây, cùng tên gọi như alto nhưng thấp hơn các dây alto một quãng 8. Khả năng về kỹ thuật và kỹ xảo không thua kém violon nên cũng hay được sử dụng để solo.

Vì kích thước lớn nên violoncello không thể đặt đàn lên lõm vai và tì cằm lên đàn để diễn tấu mà có chân chống để chống xuống đất, người đàn chỉ có một tư thế ngồi và tựa cần đàn vào vai trong lúc biểu diễn.

Đàn violoncello dùng khóa Fa4, Do4 và khóa Sol.
Dây số 1 (La) tính chất trong sáng, cởi mở. Dây số 2 (Ré) dịu dàng. Dây số 3 (Sol) âm thanh chặt chẽ. Dây số 4 (Do) âm thanh dày, cương nghị. Hai dây cao âm sắc phong phú, diễn cảm xúc động thích hợp với những giai điệu trữ tình; hai dây trầm mang tính chất kịch tính, khẩn trương.

Âm sắc violoncello gần với giọng nam, cả giọng nam cao và nam trầm, với tích chất đầy đặn mượt mà, thánh thót nên trong dàn nhạc nó cũng giữ một vị trí quan trọng tương tự violon. Nó thường cùng với contrebass đảm trách phần trầm cho bộ dây hoặc cho cả dàn nhạc. Nó cũng kết hợp đi giai điệu với các nhạc cụ khác mà kết hợp thông thường là với chính bộ dây.

Contrebass

Tiếng Pháp: contrebasse, Anh: double bass, Ý: contrabasso, Trung Quốc: Bội Đại Đề Cầm.

Contrebass là đàn có kích thước lớn nhất trong bộ dây, dài tới gần 2 mét, đàn có vẻ nặng nề. Contrebass chỉ có một tư thế là đứng để diễn tấu. Có 3 loại contrebasse nhưng thường dùng nhất là loại có bốn dây cách nhau một quãng 4 đúng, đàn contrebass dùng khóa Fa4, âm vực cao dùng khóa Do4 hoặc khóa Sol, âm thanh thật thấp hơn nốt viết 1 quãng 8.

Âm thanh contrebass không có gì đặc biệt, ở âm vực cao tiếng câm, có âm chất giọng mũi, phần trầm tiếng nghe không rõ nét. Nói chung âm thanh khỏe nhưng thô, rè, nặng nề.

Do tính chất nặng nề, không linh hoạt nên contrebass không phải là nhạc cụ độc tấu, trong dàn nhạc cũng ít khi được sử dụng để đảm trách giai điệu, nhiệm vụ chủ yếu của nó là cùng với các nhạc cụ trầm khác phụ trách phần trầm của dàn nhạc. Kết hợp thông thường là đối với violoncelle (cách quãng 8), với basson, contrabasson và clarinette bass.

mike1986
11-12-2006, 18:30
Hay quá, nếu được bạn tô đậm các tên nhạc cụ và những chỗ nhấn nhé ^^

thagnv
11-12-2006, 20:02
Em cũng tính học một nhạc cụ nào đó... nhất là Guitar... tuổi này em vẫn học được chứ bác? Em mới 23 à...

Nếu được bác biết chỗ nào uy tín, môi trường học tập thoải mái giới thiệu cho em được ko ạ?

tran_hoang
11-12-2006, 22:25
Em cũng tính học một nhạc cụ nào đó... nhất là Guitar... tuổi này em vẫn học được chứ bác? Em mới 23 à...

Nếu được bác biết chỗ nào uy tín, môi trường học tập thoải mái giới thiệu cho em được ko ạ?

Trước đây hồi cấp 3,anh có học thêm Guitar ở trường Cao đẳng Văn Hóa Nghệ Thuật Hà nội.Ngoài ra có thầy Nhất dưới đường Láng...Mấy chỗ đó dạy hay lắm.Chú thử qua xem !Tuy nhiên muốn học đàn thì phải thật sự có niềm say mê thì mới theo được đấy :)

tran_hoang
11-12-2006, 22:31
Tobe continue......

Nhạc cụ bộ gõ

Bao gồm: Trống phách, trũm chọe, đàn phiến caxtanhet, maracax...

Nhạc cụ bộ gõ là những nhạc cụ mà người chơi biểu diễn, phải đập (đánh) bằng một vật như đũa (dùi) hay một dụng cụ tương tự, hoặc có thể bằng tay không. Những nhạc cụ này thường được gọi là nhạc cụ để đánh.

Những nhạc cụ chính là :

A-. Nhạc cụ có màng như :

1. Trống con.

2. Trống lớn là những trống hình trụ bằng gỗ hay kim loại bọc da giấy ở hai đầu và đánh bằng dùi gỗ hay vồ bằng gỗ bọc da.

3. Trống định âm hình bán cầu bằng đồng, thường đặt trên mặt đất và có kích thước khác nhau, mặt trống bằng da thuộc và được chỉnh âm, đánh bằng vồ hay dùi.

4. Trống lục lạc (tambour basque hay tambour grelot), là một vòng đai nhỏ bọc da gắn lục lạc hay lá đồng. Người biểu diễn lắc trống theo các kiểu khác nhau và vỗ bằng cả bàn tay hay đầu ngón tay, đôi khi bằng cả khuỷu tay.

5. Trống tam tam.

B-. Các nhạc cụ bộ gõ khác như :

1. Chũm chọe là một loại đĩa tròn, thường sử dụng bằng cách xoa hay đập vào nhau hoặc đánh bằng vồ.

2. Cồng (cồng Trung Hoa, ...), là loại nhạc cụ giống như một đĩa kim loại thường đánh bằng dùi lớn bọc da hay dạ phớt.

3. Thanh kẻng ba góc,que thép gấp thành hình tam giác đều, đánh bằng que sắt.

4. Lục lạc hình nón nhạc cụ bằng đồng hình nón có gắn lục lạc và chuông nhỏ, phát ra tiếng nhạc khi cầm lá rung lên.

5. Caxtanhet, nhạc cụ gồm hai khúc nhỏ bằng gỗ, xương hay ngà mặt lõm giống hình vỏ sò, ngoắc vào ngón tay, hoặc có cán hay tay nắm (chuôi), phát ra tiếng nhạc bằng cách đập vào nhau.

6. Đàn phiến gỗ, gồm nhiều phiến gỗ có chiều dài khác nhau, đặt trên hai thanh đỡ, gõ bằng dùi (đũa).

7. Đàn phiến kim loại, giống như đàn phiến gỗ nhưng các phiến gỗ được thay thế bằng các thanh kim loại: thép hay đura (hợp kim nhôm) (đàn phiến gỗ cũng như phiến kim loại thường có thêm các ống cộng hưởng bằng kim loại ở phía dưới). Những nhạc cụ tương tự bằng phiến thủy tinh cũng được xếp vào Nhóm này.

8. Đàn Xêleta và những nhạc cụ tương tự sử dụng như những nhạc cụ bộ gõ để thay thế cho loại chuông hoà âm cổ điển, giống như một piano nhỏ có bàn đạp và mỏ chặn; âm thanh được tạo nên bởi những lưỡi gà dày bằng thép đặc biệt khi chúng rung lên do bị "búa" đập, điều khiển bằng cơ từ bàn phím.

9. Chuông và bộ chuông, cũng như bộ chuông hoà âm bằng ống (bộ ống treo trên một khung, gõ bằng tay hay dùng búa).

10. Maracat, và những nhạc cụ tương tự, hình cầu hay ống rỗng (trong có những viên [sỏi] nhỏ) phát ra âm thanh khi lắc.

11. Phách, đôi gậy ngắn bằng gỗ cứng.

12. "Flexatone", nhạc cụ gồm một tấm kim loại, một cán và hai cục gỗ đặt ở hai bên tấm kim loại để khi lắc, hai cục gỗ đập vào tấm kim loại mà phát ra âm thanh. âm thanh được điều chỉnh khi người ta uốn cong tấm kim loại nhiều hay ít bằng ngón tay cái.

Một số nhạc cụ trên đây đôi khi được kết hợp để một người cùng một lúc có thể sử dụng được nhiều thứ; chẳng hạn trong dàn nhạc "jazz", trống lớn đánh bằng vồ đạp chân, ghép thêm chũm choẹ, chuông (gông), hộp cộng hưởng bằng gỗ gắn chuông nhỏ hay tạo thành đàn phiến gỗ, v.v... Bộ chuông hoà âm (carillon) cho các dinh thự có thể phát ra các giai điệu, cũng được xếp vào Nhóm này

hoabanglangtim
12-12-2006, 20:18
Hic hic. Hay quá, hay quá. Tui đặc biệt thích về lịch sử guitar .Post bài nữa đi các bác.

vinhbao
12-12-2006, 20:56
Chào tran_hoang,

Tôi rất thích topic này và tôi góp vui với bạn nhé ! :)

(tiếp ...)

Wind Instruments (Bộ Đàn Gió và Bộ Kèn Đồng)

Các nhạc cụ hơi có tiếng to nên không có nhiều trong dàn nhạc. Chúng được đặt phía sau và cao hơn những đàn dây theo các hàng ngang. Thường các bè gồm 2 nhạc công, đánh số I chơi bè cao hơn và II chơi bè thấp hơn. Trong các tác phẩm chúng làm nhiệm vụ chơi các đoạn giai điệu chính hoặc thêm bè cho giai điệu chính trong các đoạn nhất định và giữ màu sắc, hòa âm, tiết tấu cho dàn nhạc trong các đoạn còn lại.

A. Woodwind (Kèn gỗ)

Các kèn gỗ được đặt ở hai hàng trước. Trong lịch sử, chúng tham gia vào dàn nhạc giao hưởng sớm hơn các kèn đồng và cũng hay chơi độc tấu hơn trong các giao hưởng.
1. Flute (Sáo tây)
Sáo thuộc bộ kèn gỗ nhưng được làm bằng hợp kim sáng trắng, trước đây các tiền thân của nó làm bằng gỗ nên nó được xếp vào kèn gỗ. Sáo chơi bè cao nhất của bộ gỗ. Giai điệu của nó chơi rất mềm mại và thanh.

2. Oboe (Ô-boa)
Ô-boa là kèn làm bằng gỗ và có màu đen. Tiếng của nó ấm giống tiếng người. Trong bộ gỗ nó chơi bè cao thứ hai.

3. Clarinet (Cla-ri-net)
Cla-ri-net là kèn làm bằng gỗ màu đen. Nó to hơn Ô-boa một chút và miệng loe hơn, nhưng thường người ta cũng không phân biệt được chúng bằng cách nhìn. Cla-ri-net có khả năng chơi những nốt cao rất trong, những nốt trung đầy tình cảm và những nốt trầm rất hư ảo. Trong bộ gỗ nó chơi bè cao thứ ba.

4. Bassoon (Bát-xông, Fa-gốt)
Fa-gốt là kèn làm bằng gỗ màu đỏ nâu. Nó rất cao, quá đầu nhạc công khi ngồi và to nhất trong bộ kèn gỗ. Vì vậy nó chơi bè thấp nhất, thường chơi để tăng bè bass với violonxen và contrebass. Tiếng nó trầm, sâu lắng. Fa-gốt cũng hay được chơi độc tấu nhờ màu sắc đẹp của tiếng của nó.

B. Brass (Kèn đồng)

Kèn đồng làm bằng hợp kim đồng thanh nên có màu vàng sáng lóa. Âm hưởng của chúng rất to và huy hoàng nên chủ yếu được sử dụng ở những đoạn cao trào cần âm lượng lớn. Trong lịch sử chúng tham gia vào dàn nhạc muộn hơn kèn gỗ, trừ kèn co tham gia cùng lúc với kèn gỗ. Trong dàn nhạc chúng ngồi chủ yếu ở hàng thứ ba sau các kèn gỗ.

1. Horn (Kèn co)
Kèn co có các ống tạo thành hình dáng tròn của nó, miệng nó loe và các nhạc công đặt tay vào trong đó để điều chỉnh tính chất của âm thanh. Nó là kèn đồng tham gia sớm nhất vào dàn nhạc và cũng hay được chơi độc tấu. Tiếng của nó trong và trong những đoạn cao trào rất khoẻ.

2. Trumpet
Là kèn đồng cao nhất và nhỏ nhất. Nó cũng khá quen thuộc với chúng ta (trong các đội nghi thức của các trường học). Trong dàn nhạc nó tham gia sau kèn co.

3. Trombone (Kèn trôm-bôn)
Trôm-bôn là kèn đồng rất dễ nhận ra với hình dáng dài của cái tay cầm mà các nhạc công kéo ra kéo vào khi chơi. Tiếng của nó trầm thứ hai trong bộ kèn đồng. Âm hưởng của nó rất mạnh và huy hoàng đặc biệt khi có 3 kèn cùng lúc. Nó tham gia vào dàn nhạc kể từ các giao hưởng của Beethoven và rất phổ biến trong thời kì lãng mạn.

4. Tuba (Kèn tu-ba)
Tu-ba là kèn đồng rất to, nó thường chỉ có một trong dàn nhạc và được đặt đứng khi chơi (miệng quay lên trên). Tiếng của nó rất trầm và khoẻ nên được dùng trong các đoạn rất cao trào. Nó tham gia vào dàn nhạc muộn nhất trong bộ kèn đồng, cuối thời kì lãng mạn. Thường nó chơi tăng bè bass cho dàn nhạc.

Thường thì nhóm kèn Horn ngồi phía tay trái của nhạc trưởng, và các kèn đồng khác ngồi phía tay phải, nhưng cũng có lúc các nhạc công chơi kèn Horn được xếp thành một hàng dài và các nhạc cụ kèn đồng trong cùng bộ xếp thành hàng phía sau.

Thường hai bộ kèn đồng và kèn gió được xếp ngồi trên các bục cao hơn bộ đàn dây để khán giả có thể trông thấy họ, vì vị trí hai bộ này ở vào phần cuối sân khấu.

C.Bộ Gõ (Percussion)

Nhóm này được xếp bên tay trái hay vào hàng cuối của giàn nhạc. Trống Timpani có thể ở vào vị trí đối diên kèn đồng và đàn dây, để cân bằng âm thanh thấp nhất của giàn nhạc. Vị trí của các đàn gõ khác được xếp đặt tuỳ theo tấu khúc. Nhạc công chơi đàn gõ có thể chơi nhiều loại đàn cùng một lúc, vì thế các nhạc cụ này phải xếp gần nhau để nhạc công dễ dàng điều khiển các nhạc cụ.

Bộ gõ gồm các nhạc cụ gõ. Chúng được sử dụng để tăng hiệu quả cho dàn nhạc.
Timpani (Trống định âm) là nhạc cụ gõ tham gia sớm nhất vào dàn nhạc. Chúng to và tiếng trầm, thường có 2 hoặc 4 cái. Mỗi cái chơi một nốt nhất định ở bè bass (thế nào các drumer, khác với trống các bạn chơi chứ). Nó được dùng trong các đoạn cần tăng sức mạnh cho dàn nhạc.

Cymbals (Xanh-ban)
Triangle (Thanh tam giác)
Bass drum/Cassa (Trống trầm - rất to gấp 3-4 lần bass drum trong các ban nhạc nhẹ hay rock và đặt đứng)
Những nhạc cụ gõ trên tham gia sau vào dàn nhạc kể từ giao hưởng số 9 của Beethoven và cũng trở nên rất phổ biến sau này.

(Sưu tầm)

tran_hoang
13-12-2006, 13:16
Cảm ơn hoabanglangtim và vinhbao.Mình xin tiếp tục nhé ! ;)

Saxophone

Tôi xin được giới thiệu về Saxophone,một phát minh quan trọng của thế kỷ 19.
Sax được biết đến ngày nay như một nhạc cụ đóng vai trò tối quan trọng trong nhiều làn nhạc như: pop, big band va Jazz… Nhưng nó được chơi đầu tiên là phổ biến trong các dàn nhạc quân đội và hòa tấu.Với giai điệu lúc tha thiết, nồng nàn lúc êm dịu, sâu lắng, Sax lôi cuốn người nghe vào từng nốt nhạc, từng âm thanh,đưa ta vào chìm sâu vào cảm xúc của chính mình.

Saxophone được phát minh bởi Antoine Joseph Adolphe Sax(1814-1894), trong 1 gia đình có truyền thống chế tạo nhạc cụ. Cha ông, Charles Sax, là một nhà chế tạo nhạc cụ cho triều đình Hà Lan thời bấy giờ. Ông được biết đến như một người phát triển hệ thống cần bấm xoay(rotary valves) được ứng dụng rộng rãi trong các loại kèn đồng( brass instrument) ngày nay. Chính vì vậy mà con trai ông, Antoine( thường được gọi với cái tên Adolphe bởi bạn bè của ông) đã có cơ hội tiếp thu kỹ năng sáng chế nhạc cụ từ khi còn rât trẻ.


Adolphe đã học thổi kèn Clarinet và sáo tại đại học hoàng gia Brussels, Bỉ và đã là một người chơi nhạc tài năng. Nhưng niềm đam mê sáng chế đã khiến ông quay về với truyền thống chế tạo nhạc cụ của gia đình.Và ông cũng chính là người có những đóng góp quan trọng trong việc cải tiến dòng họ kèn Horn. Chính vì vậy ngày nay nó đã được đặt theo tên ông, Saxhorn. Ngoài ra ông còn tái thiết kế kèn Bass Clarinet lên một tiêu chuẩn tiên tiến vượt bậc như ngày nay. Hơn thế nữa, lúc bấy giờ ông còn mong muốn chế tạo 1 loại nhạc cụ kết hợp đặc tính của cả Clarinet va Flute. Và cuối cùng loại nhạc cụ mà ông mong muốn cũng đã ra đời vào năm 1840, đó chính là Saxophone.
Người đầu tiên chơi Saxophone cũng chính là Adolphe. Sau khi phát minh ra Saxophone ông đã chuyển đến Paris và làm giáo viên nhạc viện Paris Conservatoire, để phát triển sự nghiệp biểu diễn Sax của mình. Tại đó ông đã gặp và làm bạn với nhiều nhạc sĩ nổi tiếng của Paris như Hectorr Berlioz, Giacomo Meyerbeer(nhà soạn nhạc Opera nổi tiếng người Đức)...Họ đã cùng nhau soạn các tác phẩm dành cho Opera. Và ông đã dành đủ tiền để mở 1 xưởng sản xuất nhạc cụ mang tên "Adolphe Sax". Các nhạc cụ ông chế tạo đã trở nên rất thịnh hành, đặc biệt là trong các ban nhạc quân đội Pháp lúc bấy giờ. Sau đó nó đã dần dần được đưa vào biểu diễn trong các dàn nhạc Opera.
Sau khi Adolphe Sax mất, 1894, con trai cua ông là Adolphe Edouard Sax đã thừa kế và tiếp tục xưởng sản xuất cho đến 1928, trước khi nó được bán cho Công ty Henri Selmer.

Sau đó, cùng với sự nhận thức nâng cao hơn về Sax của các nhà soạn nhạc, nhiều nhà diễn xuất tài ba đã bắt đầu xuất hiện. Trong số đó có Marcel Mule(1901-2001), từng là giáo viên khoa Saxophone của nhạc viện Paris. Bằng tài nằng âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn tuyệt vời của mình, ông đã đưa tính nghệ thuật cao của Saxophone được công nhận trên toàn thế giới.

Các tác phẩm Saxophone cổ điển nổi tiếng gồm có: "L'Arlesienne"( Arles' girls)(1872), của Georges Bizet; "Bolero"(Spanish traditional dance or songs)(1928)của Maurice Ravel; "Rhapsody"(1903)của Claude Achille Debussy; bản Concerto(1931) của Aleksandr Glazunov va cả bản Concerto nhỏ trong nhà của Jacques Ibert(1935).

*Các loại Sax:
Sax được chia ra rất nhiều loại nhưng về cơ bản gồm các loại sau đây:

- Sopranino saxophones: là loại rất hiếm. Chúng là loại nhỏ nhất trong gia đình Saxophone.Thân kèn thẳng va trông hơi giống với loại kèn Clarinet bằng đồng. Sopraninno la 1 loại nhạc cụ đặc trưng dành cho các nhà biểu diễn chuyên nghiệp.

- Soprano: chiều cao khoảng 65cm, thân thẳng mặc dù vẫn có những đoạn cong(trông giống như loại Alto Saxophones nhỏ).

- Alto: chiều dài khoảng 70cm, là loại phổ biến nhất cho những người mới chơi kèn. Nó hơi nhỏ và nhẹ hơn loại Tenor 1 chút. Hơn nữa trước hết là dể cầm hơn, đó là chưa nói đến giá cả cũng rẻ hơn khi mua hoặc thuê. Những người chơi kèn bắt đầuvới Alto đều mong rằng đó sẽ là bàn đạp để họ có thể chuyển sang chơi Tenor sau này. Điều này cũng hợp lí bởi kỹ thuật chạy ngón cho toàn bộ Saxophone về cơ bản là giống nhau. Tuy nhien hầu hết những người này không bao giờ bán cái Alto của họ một khi họ nhận ra công dụng đa năng tuyệt vời của loại nhạc cụ này.

-Tenor: chiều dài khoảng 140cm, nói tóm gọn trong 1 từ... tuyệt vời! Chúng tạo ra những âm thanh tuyệt vời,kỳ ảo và hầu hết những người chơi Sax đều muốn bắt đầu với Tenor.

-Baritone: chiều dài khoảng 220cm, trông như 1 vật khổng lồ. Chúng đòi hỏi người chơi phải có những kỹ thuật cơ bản nhất định về Sax. Vì vậy nó không phải là loại dành cho những người mới chơi. Baritone còn được miêu tả là "the ***iest sound in the world"

Ngày nay Saxophone không chỉ được chơi trong làn nhạc brass cũng như cổ điển mà còn đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong làn âm nhạc Jazz của thế giới. Đặc biệt ở Mỹ cùng với sự phát triển của thể loại Jazz, Saxophone giữ một vị trí quan trọng, không thể thiếu trong nền âm nhạc thê giới cùng với tên tuổi các nghệ sĩ Sax như: Coleman Hawkins, Michael Brecker, Kenny G, Mark Turner… Và rất nhiều tác phẩm sonata cũng như concerto đã được viết dành cho Saxophone.

linktome
30-12-2006, 20:16
Trước đây hồi cấp 3,anh có học thêm Guitar ở trường Cao đẳng Văn Hóa Nghệ Thuật Hà nội.Ngoài ra có thầy Nhất dưới đường Láng...Mấy chỗ đó dạy hay lắm.Chú thử qua xem !Tuy nhiên muốn học đàn thì phải thật sự có niềm say mê thì mới theo được đấy :)
bác Nhất học chơi thì được, nếu có đầu tư nghiêm túc, nên kiếm thầy ở các trường nhạc học cho có bài bản

bongtrangden
30-12-2006, 21:29
hay wa ......... anh em ddth cũng đam mê âm nhạc wa nha :D
nếu anh em rảnh rỗi có thể tới tham gia clb guitar khoa em cho vui
CLB Guitar khoa CNTH Viện ĐH Mở HN
Thời gian sinh hoạt: 17h30 chủ nhật hàng tuần
Có các lớp học guitar đệm hát đấy các bác ah, các bác đến tham gia nha :)

lehungvn
28-07-2008, 09:59
Mọi người ơi tại sao không lập riêng 1 diễn đàn về nhạc cụ nhỉ.Mình đang học SPNTTW.diễn đàn của trường mình đang tạm nghỉ nên đang không có chỗ tụ họp.^^Mình vừa lập diễn đàn này để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm.Mình có nguyên 1 kho các tác phẩm cho các loại nhạc cụ.Trong diễn đàn này mình sẽ chia sẻ theo yêu cầu của các bạn.Thêm nữa diễn đàn vừa lập nên cần có thêm mod để cùng phụ trách quản lý.Mọi người ai quan tâm thì ghé vô đây nhé. http://nhaccu.vnbb.com

The Old Man
28-07-2008, 10:24
Cám ơn bạn Trần Hòang đã mở ra topic thật hay này và các anh em thành viên đả đóng góp.
Xin các Spammer đừng làm hư một topic hay và đẹp như thế này.