Các bác hãy đọc đầy đủ nguyên văn bài phòng vấn đó luôn để có cái mà bàn đi này :
-------------------------

Cù Huy Hà Vũ: Cuộc đấu tranh còn tiếp diễn

Tin liên quan:

* Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ tin mình sẽ thắng kiện(Kỳ 1)
* Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ tin mình sẽ thắng kiện(Kỳ 2)
* Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ tin mình sẽ thắng kiện(Kỳ 3)

Đúng một tháng trước, ngày 11-6-2009, TS Luật Cù Huy Hà Vũ (CHHV) phát đơn kiện Thủ tướng CHXHCNVN về Quy hoạch khai thác bauxite tại Tây Nguyên. Để bạn đọc hiểu thêm về những diễn biến xung quanh vụ kiện này, Bauxite Việt Nam (BVN) có cuộc phỏng vấn ông CHHV – người khởi kiện. Sau đây là toàn văn cuộc phỏng vấn.

BVN – Thưa TS Cù Huy Hà Vũ, việc ông khởi kiện Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch khai thác bauxite tại Tây Nguyên cách đây tròn một tháng đã lập nên một kỷ lục trong lịch sử án tụng Việt Nam hiện đại: Lần đầu tiên có một công dân đâm đơn kiện người đứng đầu Chính phủ và cũng là lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao nhất của Nhà nước bị đưa vào vòng tố tụng. Vậy xin cho biết do đâu ông đã đi đến một quyết định có thể nói là “táo tợn” như vậy?

CHHV – Như mọi người đã biết, việc Chính phủ cho phép khai thác bauxite tại Tây Nguyên từ hơn nửa năm nay đã dấy lên một làn sóng phản đối vô cùng quyết liệt trước những hiểm họa đối với môi trưòng và đặc biệt, đối với an ninh quốc gia, từ bậc “khai quốc công thần” – Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Ba lá thư gửi Thủ tướng và lãnh đạo Đảng và Nhà nước cho đến hàng ngàn nhân sĩ, trí thức và người dân thuộc mọi tầng lớp tập hợp dưới hình thức Kiến nghị 12-4-2009 gửi lãnh đạo Nhà nước do GS Nguyễn Huệ Chi, nhà văn Phạm Toàn, GS TS Nguyễn Thế Hùng khởi xướng mà tôi đánh giá là cuộc vận động yêu nước và dân chủ lớn nhất kể từ khi thành lập Nước đến nay.

Trước sự “lên tiếng” của những nhân cách như vậy, tôi đã nghĩ thể nào Chính phủ và bản thân Thủ tướng cũng sẽ rút lại việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên. Thế nhưng như mọi người đã thấy, cả 3 lá thư của Võ Đại tướng cũng như Kiến nghị đã không nhận được bất cứ văn bản trả lời nào từ phía lãnh đạo Nhà nước. Đã thế trong Giấy báo về Kiến nghị, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội còn thay đổi cả tên lẫn họ của GS Nguyễn Huệ Chi! Thậm chí Bộ Công thương còn ra Thông cáo báo chí coi Kiến nghị là “hoàn toàn mang tính bịa đặt và kích động”! Trước thái độ ngạo mạn, bất chấp lương tri đến như vậy của giới hữu trách, tôi không thể không hành động. Rất nhanh tôi xác định “gốc” của các dự án khai thác bauxite đang được triển khai tại Tây Nguyên chính là Quyết định số 167/2007/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025 và thế là tôi đã đâm đơn kiện Thủ tướng do đã ban hành Quyết định này trái pháp luật ra Tòa án Hà Nội.

BVN – 11/6, ngày ông khởi kiện Thủ tướng là ngẫu nhiên hay có tính toán?

CHHV – Đúng là có tính toán, sau khi báo chí đưa tin ngày 11/6 Chính phủ bắt đầu trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Nghĩa là tôi chọn “điểm rơi” cho Đơn khởi kiện đúng thời điểm dư luận cả nước tập trung vào vấn đề nóng bỏng này.

BVN – Ông tỏ ra rất tự tin khi tiến hành vụ kiện cho dù người ông kiện là Thủ tướng. Vậy ông có thể giải thích vì sao?

CHHV – Thứ nhất, “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, dẫu là công dân thường thì tôi cũng phải hành động nhằm chấm dứt những hiểm họa khôn lường đối với đất nước do việc triển khai các dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên gây ra. Huống hồ trong vụ việc này tôi chỉ làm mỗi việc là tiếp bước Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hàng nghìn người đã ký Kiến nghị.

Thứ hai, Điều 52 Hiến pháp quy định: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Vậy Thủ tướng cũng như bất cứ công dân nào khác có thể bị kiện trong trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật. Nói cách khác, miễn trừ Thủ tướng ra tòa là tước quyền công dân của Thủ tướng.

Thứ ba, tôi nắm rất vững luật pháp không chỉ vì tôi có bằng Tiến sĩ luật mà còn vì tôi đã nhiều kinh nghiệm trong việc đấu tranh chống lại những sai trái của chính quyền bằng biện pháp tư pháp mà vụ tôi kiện UBND Thừa Thiên – Huế để bảo vệ di sản Văn hóa Đồi Vọng Cảnh vào năm 2005 là một ví dụ. Bản thân Bộ trưởng Văn hóa – Thông tin hồi đó là ông Phạm Quang Nghị đã phải cảm ơn tôi vì đã giải quyết được vụ việc bằng biện pháp tư pháp (khởi kiện) trong khi Bộ VH-TT đã bất lực với biện pháp hành chính thông thường (ra hai văn bản yêu cầu hủy dự án xây khách sạn tại Đồi Vọng Cảnh nhưng chính quyền sở tại bỏ ngoài tai).

Thứ tư, nhà thơ Huy Cận cha tôi là một trong những Bộ trưởng đầu tiên của Chính phủ khai quốc do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, tham gia ký vào “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra Nhà nước hiện hành nên việc kiện Thủ tướng, một hành vi chính trị hiểu theo nghĩa nào đó, là hoàn toàn bình thường nếu không muốn nói là rất thích hợp với tôi với tư cách là con nhà “nòi” chính trị.

BVN – Có ý kiến cho rằng với sự quyết liệt thể hiện qua vụ kiện chưa có tiền lệ này, ông có vẻ có tính cách của con “nhà võ” chứ không chỉ con “nhà văn”. Vậy ông nghĩ sao?

CHHV – Kể thì cũng không sai vì hai bên nội ngoại tôi trong lịch sử chiến tranh của dân tộc đều có công trạng lớn. Họ nội tôi ở xã Ân Phú, huyện Hương Sơn, sau là Đức Thọ và nay là Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, một trong những xã đầu tiên của Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ông nội tôi là Cù Trương, người đã nuôi nghĩa quân Phan Đình Phùng, sau này là Chủ tịch xã, thân phụ bà nội tôi là Hiệp quản của Phan Đình Phùng. Thời Lê có Cù Ngọc Xán là Binh bộ Thượng thư (như Bộ trưởng Quốc phòng bây giờ), người duy nhất được phong Vương ở Hà Tĩnh, được vua Lê ban quốc tính nên đời Khải Định nhà Nguyễn sắc phong “Tiền Lê Đô chỉ huy sứ Lê Ngọc Xán”. Bản thân nhà thơ Huy Cận cha tôi được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao chức Thanh tra đặc biệt của Chính phủ (tiền thân của Tổng Thanh tra Chính phủ) với quyền “Tiền trảm hậu tấu” nên cũng có thể nói ông làm công việc của “quan võ”. Họ ngoại tôi, họ Ngô, ở xã Trảo Nha, Can Lộc, Hà Tĩnh, cũng là một trong những xã đầu tiên của Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trảo Nha có xuất xứ từ “Trảo Nha xã tắc” (nanh vuốt của quốc gia) được Chúa Trịnh ban cho vì là nơi sinh ra 18 quận công, 36 hầu tước, 4 người đỗ Tạo sĩ (Tiến sĩ võ), là quê hương của Ngô Vương Quyền, Đại tư mã Ngô Văn Sở… “Trảo Nha” đã được nhà thơ Xuân Diệu, tức Ngô Xuân Diệu, bác ruột và là cha nuôi tôi, lấy làm một trong những bút hiệu của ông.

Suy cho cùng thì pháp luật là một sự tổng hợp của cả “văn” lẫn “võ” và tôi thực sự thoải mái trong môi trường này.

BVN – Được biết sau khi Chánh án Tòa án nhân dân Hà Nội trả lại đơn kiện của ông, ngày 3/7 vừa qua ông đã tiếp tục gửi đơn kiện Thủ tướng lên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Vì lý do gì mà Tòa cấp này trả lại ông vẫn không dừng, lại kiện tiếp ở tòa cao hơn?

CHHV – Như chúng ta đã biết, Thông báo trả lại đơn khởi kiện của Tòa án Hà Nội có ghi “Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thấy: Theo quy định tại Điều 12 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính thì Tòa án chỉ có thẩm quyền giải quyết đối với những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ, cơ quan ngang Bộ và cấp tương đương trở xuống và quyết định hành chính, hành vi hành chính của Thủ trưởng các cơ quan đó. Do đó, việc ông khởi kiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bằng vụ án hành chính”. Như vậy Tòa án Hà Nội trả lại đơn là do Tòa án này không đủ thẩm quyền thụ lý đơn kiện Thủ tướng, đồng nghĩa với việc Tòa án tối cao sẽ phải là cấp tòa có thẩm quyền thụ lý đơn kiện Thủ tướng vì trên Tòa án Hà Nội nói riêng, tòa án cấp tỉnh nói chung, không còn tòa án nào khác.

BVN – Theo ông thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ phản ứng ra sao sau khi nhận được đơn khởi kiện của ông?

CHHV – Phản ứng của Chánh Tòa tối cao sẽ không ra ngoài 4 khả năng sau đây:

Một là, Chánh Tòa Tối cao sẽ thụ lý đơn kiện. Nếu điều này xảy ra thì đây sẽ là bước đột phá có tính lịch sử của ngành tư pháp nói riêng, của Nhà nước pháp quyền Việt Nam nói chung.

Hai là, căn cứ Điều 127 Hiến pháp năm 1992: “Trong tình hình đặc biệt, Quốc hội có thể thành lập Tòa án đặc biệt”, Chánh Tòa Tối cao sẽ đề nghị Quốc hội đề nghị thành lập Tòa án đặc biệt để thụ lý đơn kiện vì Thủ tướng bị kiện là chưa có tiền lệ.

Ba là, Chánh Tòa Tối cao không xác định nổi tòa án nào ở Việt Nam có thẩm quyền thụ lý đơn kiện Thủ tướng và đề nghị công dân Cù Huy Hà Vũ thông cảm.

Bốn là, Chánh Tòa tối cao sẽ chẳng nói gì cả. Tuy nhiên, khả năng này là không thể có vì đây là tố tụng nên Chánh Tòa bắt buộc phải có văn bản trả lời thụ lý hoặc không thụ lý và trong trường hợp không thụ lý phải nêu rõ lý do.

Ngoài ra còn một khả năng nữa là Thủ tướng chủ động thu hồi Quyết định số 167/2007/QĐ – TTg và như vậy Tòa án không phải thụ lý đơn kiện của tôi nữa.

BVN – Thế nếu Chánh Tòa Tối cao không xác định nổi tòa án nào ở Việt Nam có thẩm quyền thụ lý đơn kiện Thủ tướng thì ông sẽ làm gì?

CHHV – Tôi sẽ gửi đơn lên Quốc hội đề nghị thành lập Tòa án đặc biệt theo Điều 127 Hiến pháp để thụ lý đơn kiện Thủ tướng của tôi.

Tóm lại, cuộc đấu tranh còn tiếp diễn và tôi đã sẵn sàng cho tất cả.

BVN – Xin cảm ơn Tiến sĩ và chúc ông thành công.

(Theo Bauxitevn.info)


http://bauxitevietnam.info/3143/cuoc...con-tiep-dien/