Phóng sự-Điều tra
Một kết luận “giơ thấp, đánh khẽ”?
Cập nhật: 26-10-2005
Cơ quan chức năng vừa khởi tố, bắt giam ông Lương Cao Khải, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo khối kinh tế tổng hợp (Vụ 2), Thanh tra Chính phủ (TTCP), do có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Đặc biệt, khi thanh tra Dự án tuyến kho cảng LPG Thị Vải, kết luận của đoàn thanh tra (do ông Khải làm trưởng đoàn) bị đánh giá là
Vụ Công ty Thanh Lễ và CTCP Phi Long tại KCN Sóng Thần đã khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi
Cơ quan điều tra: “Vụ việc nghiêm trọng”?
Tháng 8/1994, UBND tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương) ra quyết định giao 165 ha đất thuộc Căn cứ 301, Sóng Thần cho Công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ (gọi tắt là Công ty Thanh Lễ) thực hiện phương án đầu tư cơ sở hạ tầng. Trước đó, Công ty Thanh Lễ (do ông Huỳnh Phi Dũng làm Tổng giám đốc) đã liên doanh với CTCP Phi Long đầu tư xây dựng KCN Sóng Thần, theo tỷ lệ ăn chia 50/50. Ngay sau khi vụ việc vỡ lở, cơ quan điều tra vào cuộc (thời điểm năm 2001 - 2002) và kết luận: hình thức liên doanh này không có trong hồ sơ trình Chính phủ và phê duyệt phương án đầu tư của UBND tỉnh Sông Bé. Tuy nhiên, thông qua cái gọi là “liên doanh”, cả 2 doanh nghiệp Thanh Lễ và Phi Long đã tự chuyển nhượng mặt bằng (sau này là cho thuê đất) cho hàng chục đơn vị, cá nhân khác, với tổng trị giá trên 374,668 tỷ đồng (vi phạm Luật Đất đai năm 1993) và “chia” cho Công ty Phi Long “khoản lợi” lên đến 159 tỷ đồng.
Cũng theo kết luận của cơ quan điều tra, Công ty Phi Long chính là công ty của gia đình ông Huỳnh Phi Dũng (do vợ là bà Trần Thị Tuyết làm giám đốc) và nhiều thành viên trong gia đình. Với kiểu “hợp tác” này, số tiền của quỹ đất nhà nước từ “công ty chồng” (Thanh Lễ) được chuyển một cách hợp pháp vào “công ty vợ” (Phi Long).
Điều đáng nói là việc xin đầu tư, xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Sóng Thần của Công ty Thanh Lễ đã được tỉnh Sông Bé… phê duyệt từ tháng 8/1994 trong khi mãi sau này (9/1995), Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định 577/1995/QĐ-TTg, cho phép Công ty Thanh Lễ thuê đất để đầu tư xây dựng. Tỉnh Sông Bé còn ra quyết định giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cá nhân, đơn vị có hợp đồng chuyển nhượng mặt bằng của Công ty Thanh Lễ năm 1995 không đúng đối tượng (theo Nghị định 18/CP, các đối tượng này chỉ được thuê, không được giao đất khi chưa có quyết định thu hồi đất quân đội đang sử dụng).
Cơ quan điều tra nhận định: “Các hành vi làm trái trên đã dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng: toàn bộ số tiền chuyển nhượng mặt bằng, thực chất là tiền từ quỹ đất của Nhà nước đã được chuyển 50% giá trị, tương đương 159 tỷ đồng cho gia đình ông Huỳnh Phi Dũng chiếm đoạt, sử dụng” và khẳng định: “Đây là hành vi phạm tội 'Cố ý làm trái quy định về Quản lý kinh tế của Nhà nước, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (Điều 174, Bộ luật Hình sự) và vi phạm các quy định về quản lý đất đai của Nhà nước (Điều 180, Bộ luật Hình sự)”. Hai đối tượng vi phạm chính được cơ quan điều tra nêu tên là ông Hồ Minh Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (đã nghỉ hưu - P.V) và ông Huỳnh Phi Dũng (Tổng giám đốc Công ty Thanh Lễ trong thời gian từ năm 1991 đến tháng 8/1997).
Thanh tra: “Kiểm điểm, rút kinh nghiệm”?
Theo kết luận của Cơ quan điều tra, thì vụ việc này là rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, sự “nghiêm trọng” này đã được “giảm tông” đến mức không thể hiểu nổi ngay trong kết luận của Thanh tra Nhà nước (nay là TTCP). Nhiều cán bộ thanh tra công tác trong ngành vẫn còn nhớ, đầu năm 2002, khi TTCP thành lập Đoàn thanh tra liên ngành (gồm TTCP, Tổng cục Địa chính, Bộ Tài chính) tại Công ty Thanh Lễ xung quanh việc sử dụng đất và hợp tác kinh doanh của Công ty Thanh Lễ và Phi Long, bất ngờ, Trưởng đoàn Thanh tra lúc bấy giờ là một phó vụ trưởng Vụ Thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo khối địa phương (Vụ 4) đã từ chối giữ chức Trưởng đoàn và “xin nghỉ phép” để tránh ký vào bản kết luận bị xem là “có vấn đề” (như cách nói của nhiều cán bộ TTCP bây giờ).
Trong bản kết luận trình Thủ tướng Chính phủ, cơ quan thanh tra nhận định: “Việc UBND tỉnh Sông Bé có quyết định giao đất cho Công ty Thanh Lễ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp trong KCN là sai trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định tại các điều 6,18,21,30 Luật Đất đai 1993”. Thế nhưng, khi đề cập hợp đồng liên doanh giữa Công ty Thanh Lễ-Phi Long, kết luận thanh tra cho rằng “thực chất là hình thức chiếm dụng nguồn vốn được hình thành từ nguồn tiền trả trước một lần của các nhà đầu tư thuê đất”, mà không hề nhắc tới tính pháp lý (không hợp pháp), nguồn gốc “công ty gia đình” Thanh Lễ-Phi Long.
Xét nguyên nhân khách quan, kết luận thanh tra cho là mô hình KCN Sóng Thần ra đời sớm nhất trong cả nước, nên vừa làm vừa phải rút kinh nghiệm, nhất là việc cho phép liên doanh giữa công ty nhà nước (Thanh Lễ) và CTCP (Phi Long). Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân là “cơ chế quản lý, hạch toán kế toán, phân phối tài chính tại thời điểm đó chưa có hướng dẫn cụ thể” và rất nhiều “nguyên nhân khách quan” khác.
Kết luận thanh tra cũng không nhắc gì tới việc chuyển số tiền 159 tỷ đồng (thu từ việc bán quỹ đất nhà nước) từ “Công ty chồng” (Thanh Lễ) qua “Công ty vợ” (Phi Long), thậm chí còn “phân tích”: “Sau khi đã tạm quyết toán, từ năm 1995 - 2000, số tiền được tạm chia từ hoạt động kinh doanh 165 ha đất theo tỷ lệ 50/50 là 33,229 tỷ đồng, khoản tiền này chưa phải là kết quả cuối cùng của hoạt động liên kết kinh doanh, các bên tham gia liên kết kinh doanh còn phải chi trả các loại chi phí như lãi vay vốn đầu tư…. Theo tỷ lệ góp vốn thực tế, số tiền mà Công ty Phi Long được tạm chia chỉ là 32,423 tỷ đồng, số tiền được tạm chia cao hơn tỷ lê thực vốn góp là 797 triệu đồng..”. Đoàn thanh tra còn đưa ra những kiến nghị giống như thể “vẽ đường” cho khoản tiền 274,2 tỷ đồng (là doanh thu thuần từ khách hàng thuê đất) theo cách: nếu cần thiết thì thành lập một pháp nhân thứ 3 để quản lý, sử dụng số tiền này… Lạ lùng hơn, thanh tra yêu cầu “Công ty chồng” (Thanh Lễ) phải thu hồi 797 triệu đồng đã tạm chia quá tỷ lệ thực góp vốn cho “Công ty vợ” (Phi Long). Thậm chí, đoàn thanh tra còn kiến nghị Thủ tướng cho phép tỉnh Bình Dương dùng tiền từ quỹ đất để hỗ trợ một phần tương đương 9,061 tỷ đồng trong số 40 tỷ đồng (số tiền Công ty Thanh Lễ đã đền bù, di dời cho Quân đoàn 4) mà Thanh Lễ phải chịu để tính vào chi phí đầu tư dự án?
Cuối cùng, kết luận thanh tra đưa ra hướng xử lý là “tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm” việc tiếp nhận, giao đất khi chưa có quyết định của Thủ tướng, chứ không đề cập hình thức xử lý hành chính, hình sự nào. Điều này khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về tính công minh, nghiêm túc và độ khách quan của người tham gia thanh tra!.
Trang tin điện tử - Báo Đầư tư.
Bookmarks