Trước khi đến câu chuyện của chúng ta, hãy cùng nhau tìm hiểu Full-Stack Tester là gì ? Như chúng ta đã biết fullstack developer là một developer nắm bắt, thiết lập được từng lớp, từng phần của chương trình và các công nghệ sử dụng trong chương trình đó từ phía back-end đến front-end. Tương tự như vậy, Full-Stack tester là người nắm rõ, hiểu rõ được các khía cạnh cần phải có về mặt chất lượng của sản phẩm cũng như các phương pháp kiểm thử đặc thù khác nhau (Performance test, Usablity test, automation test, security test ) cho từng loại chương trình để kiểm thử chương trình của họ. Full-Stack tester là người có đa dạng các kiến thức, kĩ năng và chuyên môn kiểm thử.

Tại sao chúng ta là cần Full-stack tester ? Đa phần các công ty hiện nay đều đã theo mô hình phát triển Agile. Sản phẩm được làm ra trong thời gian ngắn và nhanh đồng nghĩa với việc đó thời gian để kiểm thử cũng phải ngắn và nhanh để đảm bảo tiến độ sản phẩm. Kiểm thử không đơn thuần là một quá trình phải làm trước và hoàn thành trước khi ra mắt sản phẩm mà là một quá trình cần phải hoàn tất ở mỗi Sprint. Do đó Tester phải nắm bắt được làm thể nào để kiểm thử và đảm bảo được chất lượng cho sản phẩm. Để làm được điều đó, Tester phải không ngừng học tập, tìm hiểu các công nghệ mới.



Chắc hẳn mọi người đều đã biết trong các bộ phim hiện nay, cũng như các tiểu thuyết và các thần thoại ngày xưa về các anh hùng. Tất các chúng đều có 1 điểm chung, 1 mô-típ quen thuộc lặp đi lặp lại đó là “Hành trình của anh hùng” và cũng như thế ngày hôm nay ta cũng sẽ nói đến hành trình để trở thành 1 Full-Stack Tester bằng mô-típ như thế.

Vậy hành trình của anh hùng như thế nào mà ta có thể lấy nó mô phỏng như là hành trình trở thành Full-Stack Tester? Hãy nghĩ nó như 1 chu trình cuộc hành trình bắt đầu và kết thúc trong thế giới bình thường của vị anh hùng nhưng có nhiệm vụ phải thực hiện trong một thế giới xa lạ và bí ẩn. Trên suốt chuyến phiêu lưu sẽ có nhiều sự kiện quan trọng xảy ra. Và cũng như thế chu trình của một full-stack tester cũng sẽ ra như thế. Hãy tham khảo hình dưới đây.

Hiện tại (Status Quo)

Bạn là một tester hoàn toàn mới không có kinh nghiệm. Bộ hành trang ban đầu của bạn gồm có bộ kiến thức căn bản về kiểm thử (thường là kiểm thử thủ công), một niềm đam mê , khát khao phát triển bản thân trên con đường kiểm thử. Một thái độ nghiêm túc đúng đắn sẵn sàng học hỏi và không ngại áp lực và hiển nhiên điều cần nhất đó chính là một môi trường để bạn phát triển, một công ty cho bạn cơ hội thực hiện đam mê và ước mơ của mình.

Lời mời đến cuộc phiêu lưu ( Call to adventure)

Một dự án mới ở công ty bạn vừa được kick-off và rồi bạn được Project Manager mời tham gia vào dự án với vai trò là tester. Nhiều thứ hoàn toàn mới lạ bạn không hề biết về những thứ này Như thể nó là một thế giới hoàn toàn khác. Và rồi bạn chấp nhận lời mời đó để trải nghiệm và nâng cao kinh nghiệm của mình

Sự trợ giúp (Assistance)

Tất nhiên, dù bạn có giỏi thế nào bạn cũng không thể làm mọi thứ một mình được. Bạn sẽ cần lời khuyên, sự giúp đỡ từ các seniors trong team testers của bạn để có thể làm tốt công việc của mình trong dự án và không những thế bạn cũng cần sự giúp đỡ từ các thành viên khác trong dự án mới đó

Ra đi (Departure) + Trải nghiệm (Trials)

Dự án bắt đầu, bạn bắt đầu làm quen với dự án bằng việc đọc và phân tích các requirements hoặc user story, sau đó là bắt đầu tập viết test plan , test case rồi thực thi test. Bắt đầu biết bug là gì? Và khi tìm thấy bug phải làm những gì.

Đối mặt (Approach)+ Khủng hoảng (Crisis)

Nhưng rồi dự án đâu phải lúc nào cũng suôn sẻ, sẽ luôn có những khó khăn bên trong đó. Ví dụ như Deadline tới gần, ngày demo dự án đã là ngày mai nhưng ngày hôm nay Dev team mới code xong và deploy lên server test. Bạn chỉ có một ngày để test. Bạn cố overtime hết sức có thể để test, tìm mọi bug có thể, gấp rút chuẩn bị demo scenarios và rồi cũng đến ngày demo dự án. Nhưng buổi demo của bạn đã đổ vỡ, không thể thất bại hơn nữa vì dù bạn đã test rất kĩ vào ngày hôm qua nhưng hôm nay vẫn có bug, thậm chí là bug rất nghiêm trọng. Sau đó thì khách hàng gửi mail phàn nàn cả nhóm bạn. Project Manager nói chuyện riêng với bạn. Dù họ không nặng lời với bạn hay trách mắng bạn, chỉ đơn thuần là nhắc nhở thôi. Nhưng tâm trạng của bạn không thể tệ hơn nữa. Bắt đầu có những câu hỏi bạn tự hỏi chính mình : “Mình nên từ bỏ hay là không?” , “Mình không có tính tỉ mỉ, kĩ lưỡng để sót bug thế này làm sao mà làm được tester” , “Tiếng Anh của mình còn yếu, có lẽ do vậy mà đọc không hiểu hết requirement từ đó để sót bug”, “Ngày qua ngày làm việc cho đủ 8 tiếng thôi được rồi, cố lắm rồi cũng vậy thôi”, “Thôi chuẩn bị tìm công việc khác làm là được rồi, mình không làm được việc này đâu”. Những câu nói tiêu cực cứ thế vang lên, tâm trạng ảnh hưởng đến công việc. Mọi tasks giao cho bạn bắt đầu trì trệ không hoàn tất được đúng hạn.

Nhưng rồi senior tester trong team bạn đến cho bạn lời khuyên, tư vấn cho bạn. Cuối cùng bạn cũng nắm được mấu chốt vấn đề. Bạn đứng dậy và tiếp tục với công việc. Nhưng với một tinh thần vững chắc, và những bài học kinh nghiệm đáng giá cho mình

Kho báu (Treasure)+Kết quả (Result)

Tất nhiên sau mỗi cuộc hành trình, mỗi người chúng ta đều gặt hái một điều gì đó. Ở đây kho báu của chính ta là những kiến thức ta có được trong những dự án ta trải qua, những bài học đắt giá từ những sai lầm. Những kinh nghiệm giúp ta vững vàng hơn sau này trên con đường sự nghiệp.

Trở về (Return)+Cuộc sống mới (New Life) +Giải pháp (Resolutions)

Kết thúc một chu trình, ta lại quay về thực tại. Nhưng nay ta đã khác với trước kia. Vì ta đã đạt được một cấp độ khác thông qua những gì đã trải qua. Ta bắt đầu hiểu cần phải làm gì, phải đối mặt những gì, phải làm gì để vượt khó khăn đó. Và bắt đầu chuẩn bị cho những dự án sắp tới trong tương lai, cũng như dự định xa hơn nữa để phát triển sự nghiệp.

Có thể hành trình của bạn sẽ khác với mô-típ trên đôi chút nhưng nhìn chung mỗi người chúng ta sống trên thế giới này đều đang sống và trải nghiệm chu trình này với những cách nhìn khác nhau và môi trường khác nhau, thử thách khác nhau. Hành trình để trở thành một Full-Stack tester không phải là chuyện đơn giản có thể đạt được trong thời gian ngắn, mà đó là một chuyến phiêu lưu dài hạn không ngừng nghỉ từ chu trình này đến chu trình khác. Bởi vì công nghệ không ngừng đổi mới, ta cũng phải không ngừng đổi mới để nắm kịp công nghệ. Là một tester ta phải biết bỏ đi những định kiến cổ hủ , mở rộng tâm trí mình đón nhận những cái mới và khi là một Full-Stack Tester , ta càng phải biết dung nạp số lượng lớn kiến thức có thể. Quan trọng hơn hết ta phải biết học hỏi từ những thất bại ta đã trải qua, đứng dậy từ những thất bại đó , khắc phục những yếu điểm của ta.