KỸ SƯ HỆ THỐNG MẠNG LÀ AI?
Theo số liệu mới được công bố bởi Tổ chức thống kê số liệu Internet quốc tế (internetworldstats) Việt Nam đã có 45,5 triệu người dùng internet, đạt mức thâm nhập/dân số là 48%. Số lượng người dùng nói trên bao gồm người truy cập internet ở tất cả các phương tiện hỗ trợ (PC, laptop, điện thoại…).

Với con số này, Việt Nam đang được xếp thứ 6 trong khu vực châu Á về số lượng người dùng, sau Trung Quốc (674 triệu), Ấn Độ (354 triệu), Nhật Bản (114,9 triệu), Indonesia (73 triệu), Philippines (47,1 triệu) và đứng thứ 17/20 quốc gia có lượng người dùng internet nhiều nhất thế giới.



Chính vì thế xu hướng công nghệ hóa ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ tại các doanh nghiệp Việt Nam. Kéo theo đó chính là yêu cầu về nhân sự trong lĩnh vực CNTT & Truyền Thông (IoT). Kỹ sư hệ thống mạng cũng là một trong những ngành nghề mà các doanh nghiệp đang rất khát nhân sự bao gồm cả về chất và lượng.

Vậy:

1. Kỹ sư hệ thống mạng là ai?
Một cách đơn giản nhất, mạng là việc kết nối các máy tính với nhau. Lớn thì như mạng Internet, còn đơn gian hơn thì chỉ cần nối 2 máy tính lại với nhau để có thể chia sẻ dữ liệu giữa chúng đã có thể gọi là mạng rồi.



Với tình hình phát triển thông tin như vũ bão ngày nay thì bất cứ một doanh nghiệp nào cũng cần một hệ thống thông tin chứ không chỉ đơn giản là dùng máy tính nữa. Khi dùng server thì chúng ta không phải làm thế, chỉ cần cài máy in lên server rồi nối mạng tất cả các máy lại, và tất cả các máy có thể in dễ dàng. Hoặc muốn trao đổi thông tin qua lại với nhau, chỉ cần đưa lên server một thư mục dữ liệu chung là tất cả các máy trạm có thể dùng. Ngoài ra còn dùng làm webmail trao đổi lẫn nhau… hay chạy website, một phần mềm chuyên dụng riêng… và mạng kết nối máy tính này gọi là mạng LAN.

Các tổ chức hay doanh nghiệp hiện nay đều cần đến máy chủ (server) làm nhiệm vụ quản lý và chia sẻ tài nguyên cho môi trường của mình. Ví dụ như server quản lý e-mail, web hay chia sẻ máy in, tập tin và kết nối Internet… Về nguyên tắc, bất kỳ máy tính nào cũng có thể thiết lập để đóng vai trò server. Tuy nhiên, các server chuyên dụng (thực chất cũng là máy tính nhưng có cấu hình hệ thống phần cứng và phần mềm đặc biệt) đảm bảo hiệu suất làm việc và tính tin cậy tốt hơn.

Kỹ sư hệ thống mạng là người chịu trách nhiệm cho các công việc liên quan đến hệ thống mạng như: thiết kế, triển khai, duy trì, hỗ trợ và phát triển mạng lưới truyền thông tin và trong một số trường hợp có thể là người thiết kế hệ thống mạng trong một tổ chức hoặc giữa các tổ chức với nhau.

2. Nghề kỹ sư hệ thống mạng làm gì?
Kỹ sư hệ thống mạng làm việc với hệ thống máy tính của công ty, sử dụng công nghệ thông tin để tạo mạng hệ thống cho người sử dụng. Các dữ liệu có thể bao gồm mạng nội bộ LANS, mạng vùng rộng WANS, hệ thống intranet hay extranet. Sự phức tạp của hệ thống phụ thuộc vào tổ chức, từ đó công ty có thể có một hoặc một nhóm các kỹ sư hệ thống mạng. Mục tiêu công việc của họ là đảm bảo cơ sở hệ thống mạng vận hành thông suốt, hỗ trợ tốt nhất cho người dùng, là nhân viên, khách hàng, đối tác hay nhà cung cấp. Cụ thể công việc của người kỹ sư hệ thống mạng bao gồm:

Thiết lập môi trường mạng bằng các hệ thống thiết kế, chỉ đạo việc lắp đặt hệ thống, xác định, thể hiện bằng văn bản và thi hành các chuẩn mực vận hành của hệ thống và triển khai ý đồ phổ cập mạng.

Đưa ra, thực hiện các giải pháp mới nhằm nâng cao, cải thiện khả năng hồi phục của môi trường mạng hiện thời cùng với tối đa hóa hiệu quả hoạt động của hệ thống bằng cách giám sát hoạt động, xử lý các sự cố, nâng cấp hệ thống và phối hợp với kiến trúc mạng nhằm tối đa hóa mạng lưới.

Kiểm tra các lỗi dữ liệu cục bộ và toàn diện, sử dụng thông tin từ các nguồn khác nhau để bảo đảm an toàn hệ thống và thực hiện các chính sách, xác định và giám sát việc truy cập của người dùng.

Hỗ trợ, quản trị tường lửa tuân thủ theo chính sách bảo mật IT và nâng cao kiến thức bằng việc tham gia các khóa học, các tổ chức chuyên môn, đọc các tài liệu chuyên môn.

Báo cáo tình hình hoạt động bằng cách thu thập các thông tin và quản lý các dự án; đồng thời vận hành và khai thác hệ thống mạng Internet bao gồm hệ thống DSLAM, OLT (PON), Switch L3 phục vụ triển khai các dịch vụ ADSL, VDSL, FTTH, PayTV,…

3. Kỹ sư hệ thống mạng làm việc ở đâu?
Kỹ sư hệ thống mạng có thể làm việc trong đội hỗ trợ IT của một tổ chức hoặc cũng có thể làm việc cho các công ty tư vấn mạng IT, thường xuyên làm việc cho nhiều khách hàng khác nhau, cụ thể là:

Kỹ sư thiết kế, chế tạo vi mạch, thiết bị điện tử, viễn thông, hệ thống mạng truyền thông trong các công ty, tập đoàn thuộc lĩnh vực Điện tử viễn thông, đặc biệt là các tập đoàn quốc tế lớn như Samsung Electronics, Ericsson, Alcatel. Đặc biệt tập đoàn Samsung đã xây dựng nhà máy lớn nhất thế giới tại Thái Nguyên tập trung sản xuất các thiết bị đầu cuối viễn thông như điện thoại di động, máy tính bảng,…

Kỹ sư thiết kế, xây dựng, triển khai hệ thống điện tử viễn thông, các mạng viễn thông thế hệ mới, các hệ thống phát thanh, truyền hình cho các tập đoàn, doanh nghiệp Viễn thông như VNPT, Viettel, VTI, VTN, VDC, VTC, AVG,… Các Bưu điện trung tâm, thành phố, Đài phát thanh, truyền hình tại các tỉnh trong cả nước. Đặc biệt hiện tại tập đoàn Viettel đã trở thành nhà mạng viễn thông lớn thứ 15 thế giới và triển khai mạng lưới viễn thông tới các châu lục.

Kỹ sư thiết kế và lập trình hệ thống nhúng ứng dụng trên điện thoại di động cho các nhà máy sản xuất điện thoại di động của các tập đoàn lớn như Samsung Mobile,Nokia/Microsoft, LG Mobile và các công ty sản xuất phần mềm di động. Đây là công việc đòi hỏi nghiên cứu các cơ sở lý thuyết về thông tin và tính toán cùng sự thực hiện và ứng dụng của chúng trong các hệ thống máy tính và là chuyên ngành nghiên cứu những phương thức khác nhau tiếp cận việc mô tả cách tính toán, trong khi ngành Lập trình ứng dụng những Ngôn ngữ lập trình cụ thể để giải các bài toán.

Cán bộ quản lý kinh tế, xây dưng chiến lược sản xuất kinh doanh các dịch vụ, sản phẩm, thiết bị viễn thông trong các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.

Cán bộ nghiên cứu, giảng dạy tại các Viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo thuộc lĩnh vực Điện tử viễn thông. Tuy nhiên, để được nhận làm giảng viên tại các trường đại học công nghệ hiện nay, sinh viên cần trang bị kiến thức chuyên môn vững chắc và chỉ những sinh viên xuất sắc mới được giữ lại để tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy tại trường.