Từ hơn 10 năm về trước Đại học Duy Tân đã thêm nhiều hoa thơm trái ngọt được xã hội công nhận. Xem thêm bài báo này để hiểu hơn về Duy Tân các bạn nhé!

Tác giả: Trung Trường
Ðuợc đăng trên: Tạp chí thương mại số 41
Ngày xuất bản: 01/10/2005


“Họ thành công bởi họ đã xây dựng được một đội ngũ những người có khả năng về chuyên môn, về bản năng sinh tồn, bằng sự nghiêm khắc đến khắc nghiệt với chính bản thân của từng thành viên. Đã học, đã làm việc thì làm đến tận cùng, người có tài mà mẫn cán được quý, người có đức được trọng”.

Đánh cuộc với rủi ro.

Ông nói với tôi: “Đại học Duy Tân mới vừa tròn 11 năm, nhưng trong xu thế cuộc cách mạng công nghệ đã làm thay đổi thế giới từng ngày là quá dài”. Tôi hiểu, đó là vì ông muốn Đại học Duy Tân có thêm nhiều tiềm lực để đơm thêm nhiều hoa thơm, trái ngọt cho đời. Mà không dài sao được, bởi từ khi khởi xướng đề án cho một trường đại học dân lập cho đến khi nhận được giấy phép ông mất hai năm ròng vào ra Đà Nẵng-Hà Nội hàng chục lần. Đó là chưa kể ông phải làm lơ trước nhiều lực cản vì ước mơ cháy bỏng, đẹp đến nao lòng của ông: “Nếu Đà Nẵng có thêm một trường đại học là xây thêm một công viên hoa cho đất nước này”.

Trước cái sự dám nghĩ, dám làm của ông, nhiều người cho ông gàn, hay chí ít cũng là sự liều lĩnh. Mà họ có lý, bởi 11 năm trước đến cả hành lang pháp lý cho trường đại học dân lập cũng chưa có. Có nghĩa là ông và những người tâm huyết phải từng bước mò mẫm định hình cho bộ máy. Chưa hết, khi vượt qua được khó khăn ban đầu, tập thể non trẻ ấy lại phải đối mặt với những đe dọa, những dư luận xấu, vu cáo,… Trong khi để có được nguồn vốn, nhiều đêm ông suy nghĩ, chân nam, chân tây chạy “bột” để “gột nên hồ”. Ông nói “Tôi kính trọng và biết ơn những người đã góp vốn ban đầu và coi đó là sự thông cảm, tin tưởng dù họ hay tôi đã chấp nhận hy sinh, đánh cuộc với rủi ro”. Có nghĩa là cơ sở vật chất ban đầu không chỉ xây dựng bằng tiền mà bằng cả tâm huyết và nghị lực của những người đã sống chết cho mảnh đất này nhiều năm. Họ phải có một quá khứ dám hy sinh để có hiện tại và trong tương lai dám đương đầu với mọi trở lực.

Nhưng khó nhất vẫn là việc xây dựng đội ngũ nhân sự. Đà Nẵng không có nhiều trường đại học, học viện với đông đảo giáo sư, tiến sỹ như Hà Nội nên việc mời giảng viên thỉnh giảng không rộng đường. Lặng lẽ và quyết tâm, ông cùng những người sáng lập tập trung đầu tư xây dựng đội ngũ giảng dạy bằng cách tạm tuyển giảng viên, đến đào tạo rồi liên kết với các trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội, Mở bán công TPHCM, Bách khoa Hà Nội,… Thật khó tính ra bao nhiêu công sức, thời gian, tiền bạc, sự cần mẫn, tận tâm từ năm này sang năm khác, tuyển chọn và đào tạo, cho đến khi có trên 200 giảng viên cơ hữu nòng cốt. Bởi phải chấp nhận nguyên tắc đào tạo 2 mới giữ được 1 mới thấy được nỗi đam mê đến cháy lòng của Nhà trường.

Thế nhưng ông vẫn canh cánh:“Có trên 200 giảng viên nòng cốt là đáng mừng, nhưng còn phải đầu tư nhiều hơn nữa, giảng viên phải tự đào tạo, nghiên cứu, học trong sách vở, trong cuộc sống, phải cập nhật thông tin,… thì mới mong có một đội ngũ thực hiện được nhiệm vụ duy tân và hội nhập.”

Duy tân để hội nhập

Mười một năm trước, khi luồng gió đổi mới được Đảng thổi vào nền kinh tế tri thức ông đã có chủ trương duy trì cái mới để hội nhập. Thường trực trong ông là suy nghĩ về cụm từ “Xã hội hóa giáo dục”. Việc hình thành các mối quan hệ với các cơ quan trung ương và địa phương, với các trường đại học, các cá nhân có uy tín về giáo dục trong và ngoài nước để tạo sự liên kết trong đào tạo, hợp tác trong xây dựng đội ngũ quản lý và giảng dạy, giúp đỡ nhau khi gió to, sóng lớn là lẽ tất nhiên và thế mạnh của mô hình dân lập. Nhưng làm sao để tạo được môi trường, thái độ học tập thật sự “xã hội hóa”, tránh cho sinh viên học đuổi, học bắt, học đối phó, thiếu tự tin thậm chí mất phương hướng. Ông muốn sinh viên khi ra trường phải có chất lượng văn hóa, tri thức thực chất. Chính vì vậy, tất cả Đoàn viên Công đoàn của trường là những người quản lý tốt, giảng viên giỏi, những cán bộ cần cù, làm gương cho lớp trẻ suy ngẫm về mình cũng chưa đủ mà còn luôn tự hào nghĩ về thế hệ trẻ một cách chân tình như cha nghĩ về con, như thế hệ trước nghĩ và đặt niềm tin vào thế hệ sau. Và 100% sinh viên của Đoàn trường là những trái tim trẻ miệt mài học tập, nghiên cứu khoa học, hoạt động văn thể mỹ, luôn đi đầu trong phong trào hiến máu nhân đạo, “ Mùa hè xanh”. Đoàn trường còn là nơi tạo nguồn giảng viên và đảng viên trẻ, đã nhận nhiều phần thưởng của Trung ương Đoàn và Thành Đoàn. Họ gắn liền với Hội sinh viên Việt Nam tạo việc làm cho sinh viên cũng như khi tốt nghiệp. Nhiều nhân viên, cán bộ giảng dạy, trợ giảng tham gia các công trình nghiên cứu và đã có trên 40 đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng. Một con số còn khiêm tốn, nhưng thể hiện sự quyết tâm của Nhà trường.

Mười một năm xây dựng và trưởng thành của Đại học Duy Tân là mười một năm ông trở thành “ keo” gắn kết tốt những mối quan hệ giữa con người với con người, giữa các tổ chức Đảng, Đoàn thanh niên, Công đoàn,... chỉ với một mục đích sinh viên của ông không học theo lối mòn từ chương, không sính bằng cấp và chạy theo thành tích vốn là hai căn bệnh trầm kha.

Xây dựng được một Đảng bộ với 65 đảng viên và họ đang là những nòng cốt của trường. Nhưng ông vẫn canh cánh bởi “Hầu hết còn rất trẻ, chưa qua thử thách và chất Đảng còn non. Họ còn phải trui rèn nhiều trong quản lý, giảng dạy, trong cạnh tranh thì mới thật sự trở thành những Đảng viên tốt của Đảng và Nhân dân”.

Hoa thơm và trái ngọt

Mười một năm có trên 15.000 sinh viên theo học, đã có 6 khoá tốt nghiệp với trên 7.000 cử nhân đại học và cao đẳng góp phần vào sự nghiệp CNH HĐH các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Đà Nẵng mà Nhà nước không tốn ngân sách. Tạo trên 350 chỗ làm, khi Nhà nước muốn tạo ra một việc làm phải chi ngân sách không dưới 500 triệu đồng. Nộp ngân sách gần 9 tỷ đồng, cùng 2 tỷ đồng san cơm sẻ áo cho những đối tượng gia đình thương binh liệt sỹ, mồ côi, các quỹ khuyến học,… minh chứng cho chủ trương xã hội hoá giáo dục của Đảng đúng và phù hợp với xu thế phát triển.

Mười một năm, những người khởi xướng ban đầu, có người đã mất; những người còn lại đã già vì vắt kiệt sức cho sự nghiệp xây dựng trường trong đắng cay và hạnh phúc. Thay mặt họ, ông xin tri ân tất cả, xin được thông cảm và tha thứ bởi mười một năm chập chững ban đầu, tránh sao khỏi những vấp váp, những khuyết điểm của mô hình mới trong cơ chế thị trường nghiệt ngã. Còn ông, nhân vật mà tôi nhắc đến chính là ông Lê Công Cơ. Đã ngoài lục tuần, dáng dấp nhỏ con, nhưng với những gì ông đã và đang làm dễ nhận thấy con người này luôn tâm niệm “ Gia sản thực sự của một quốc gia không phải là vàng bạc mà là kiến thức, trí tuệ và tính liêm khiết của những người con của quốc gia này”.

“Trọng dụng người có đức, có tài thực sự, không câu nệ vào bằng cấp, quá trình cống hiến hay thành phần xuất thân…”