Trang 1 / 3 123 LastLast
Hiển thị kết quả từ 1 đến 10 / 27
  1. #1
    Tham gia
    22-07-2005
    Bài viết
    9,146
    Like
    612
    Thanked 2,879 Times in 1,409 Posts

    Thông tin Đánh Dấu 40 Năm 30/4/1975

    Mời viết bài đánh dấu 40 năm 30/4
    10 tháng 4 2015


    Ngày 30/4/1975, cuộc chiến Việt Nam kéo dài hàng chục năm chính thức kết thúc với sự kiện quân đội Bắc Việt chiếm lĩnh và cắm cờ trên nóc Dinh Độc lập, phủ tổng thống và cơ quan đầu não của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.

    Đánh dấu sự kiện lịch sử tròn 40 năm, BBC mời quý vị tham gia viết bài vở, đóng góp tư liệu, chia sẻ thông tin, cảm nghĩ về sự kiện này.

    Các bài vở của quý vị xin gửi về hộp thư điện tử của chúng tôi tại địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk

    Các bài viết cố gắng gói gọn trong vòng tối đa từ 1.200 - 1.500 chữ.

    Quý vị có thể chia sẻ suy nghĩ, kỷ niệm của quý vị qua bài viết hoặc cũng có thể gửi các hình ảnh, clip nghe nhìn, tư liệu riêng của quý vị liên quan tới ngày 30/4.

    Thời gian nhận bài vở, thông tin, tư liệu bắt đầu từ ngày 10/4/2015 và sẽ công bố trước, trong và sau dịp 30/4/2015.

    Xin quý vị vui lòng gửi cho chúng tôi vài hàng vắn tắt tự giới thiệu (tên tuổi, nghề nghiệp, quốc gia, tỉnh thành đang sinh sống hoặc làm việc...) kèm với bài viết gửi đi.

    Xin cảm ơn sự quan tâm, chú ý và đóng góp của quý vị độc giả.

    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/viet..._paper_calling
    Được sửa bởi Arkain lúc 12:59 ngày 16-04-2015
    Quote Quote

  2. 2 thành viên Like bài viết này:


  3. #2
    Tham gia
    22-07-2005
    Bài viết
    9,146
    Like
    612
    Thanked 2,879 Times in 1,409 Posts
    'Không nên gọi 30/4 là ngày giải phóng'
    Nam Phong
    Gửi tới BBC từ Huế
    11 tháng 4 2015


    Tôi sinh ra và lớn lên sau ngày 30/04. Trong khi phần lớn đất nước chìm trong khó khăn, hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác, trong khi phần lớn người dân thiếu ăn, thiếu mặc, đói khổ trong giai đoạn 1980-1990, thì tôi đã sống một cuộc sống đầy đủ và sung túc, vì ông bà tôi là những đảng viên cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam.

    Ông tôi là một người chân thành và có niềm tin sâu sắc với lý tưởng cộng sản. Ông có một người chị ở phía bên kia, và sau này di tản sang Mỹ. Ông không bao giờ liên lạc với bà, và đó là nỗi ân hận lớn nhất trong những ngày cuối đời của ông.

    Là một 'hạt giống đỏ" tôi lớn lên với niềm tin chân thành về những gì được dạy dỗ, về lý tưởng cộng sản với hình mẫu Pavel Korchagin - Hình mẫu chuẩn mực cho mọi thiếu niên lớn lên dưới mái trường XHCN khi đó.

    Vì vậy, sự kiện 30/04 đối với tôi và các bạn tôi khi đó là một cái gì đó rất đẹp, rất anh hùng, cũng rất vẻ vang. Với thế hệ chúng tôi, Việt Nam đã đánh bại siêu cường số 1 thế giới làm "chấn động năm châu. rung chuyển địa cầu".

    Nhưng sau sự kiện bức tường Berlin, mẹ tôi trở về Việt Nam (vì là con của cán bộ cao cấp, mẹ tôi và các bác, cậu của tôi đều lần lượt học ở Đông Đức, Liên Xô, Bungari...).

    Với những gì đã được chứng kiến ở nước Đức và Đông Âu, mẹ tôi không tán đồng quan điểm với ông tôi. Mẹ tôi từng kể với tôi rằng, những người bạn Đức của bà nói rằng ''Mỹ là những người bạn tốt, cả thế giới muốn chơi với nó mà người Việt Nam mày lại đuổi nó đi.''

    Bà kể cho tôi về những người Đức cộng sản và không cộng sản khi thống nhất đất nước đã ôm hôn nhau như thế nào. Bà kể về những người lính biên phòng Đông Đức đã tự sát chứ nhất định không bắn vào những người phía Đông muốn chạy sang phái Tây như thế nào.

    Đó là bước ngoặt trong suy nghĩ của tôi! Mỹ mà tốt à? Tại sao người ở phía Đông lại chạy sang phía Tây chứ không phải ngược lại? Thế giới của tôi bắt đầu có nhiều màu sắc hơn, không còn chỉ có hai màu, cộng sản và phản động nữa.


    Những ngày tháng cuối cùng của chiến tranh chỉ là giao tranh giữa những người Việt (Trong ảnh là lính VNCH trong trận Xuân Lộc)


    Tôi bắt đầu tìm đọc những tác phẩm viết về ngày 30/04/1975. Đọc những tác phẩm bị coi là "phản động" ở Việt Nam. Các tác phẩm của Dương Thu Hương, Trần Độ, Vũ Thư Hiên, Nguyễn Gia Kiểng...

    Thông tin từ những tác phẩm này đã khiến tôi mở to mắt. Ngày 30/04 làm gì còn người lĩnh Mỹ nào ở Sài Gòn. Vậy sao còn gọi là kháng chiến chống Mỹ? Sao có thể gọi là "giải phóng"?

    Và tôi khóc thương cho số phận dân tộc Việt. Khóc thương cho hàng triệu người Việt ở cả hai phía đã ngã xuống trong cuộc chiến "huynh đệ tương tàn". Khóc thương cho cả triệu người Việt vĩnh viễn nằm lại gữa biển khơi.

    Và tôi khóc thương cho lòng yêu nước nhiệt tình nhưng ngây thơ của người Việt đã bị các cường quốc lợi dụng. Đất nước trở thành bãi chiến trường. Người Việt trở thành sỹ tốt xung phong. Việt Nam thành bàn cờ, nhưng người chơi là người Nga, người Trung Quốc và người Mỹ không phải là người Việt. Một bên chiến đấu để "giải phóng" và "nhuộm đỏ thế giới". Một bên chiến đấu để bảo vệ "thế giới tự do".

    "Đại thắng mùa xuân" và "giải phóng miền Nam". Đât nước thành một đống đổ nát, hoang tàn. Trường Sơn thành một nghĩa trang khổng lồ.

    Những người mẹ mất con. Khăn trắng trên đầu trẻ thơ. Và một hết thương hằn sâu trong lòng dân tộc. 40 năm rồi, bên chiến thắng vẫn ăn mừng, vẫn diễu binh, vẫn pháo hoa...bên kia vẫn là ngày quốc hận, ngày mất nước... vết thương dân tộc vẩn rỉ máu.

    Một ngày nào đó, 30/04 trở thành ngày thống nhất, một ngày lễ cho cả dân tộc. Tổ quốc treo cờ rủ quốc tang cho những người đã ngã xuống ở cả hai phía.

    Một tượng đài nhỏ thôi, giản dị thôi nhưng tinh xảo. Và một nghĩa trang của những người lính ở cả hai phía cho thế hệ trẻ có thể tỏ lòng thành kính cho những người đã ngã xuống vì dân tộc. Hy vọng là như thế!

    Còn thống nhất lãnh thổ mà không thống nhất được lòng người thì có ích gì? Nhất là khi phương Bắc, kẻ thù truyền kiếp đang trỗi dậy. Bài học mất nước của Hồ Quý Ly còn đó.

    Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả. Bài được gửi tới BBC sau khi BBC mời độc giả tham gia viết bài vở, đóng góp tư liệu, chia sẻ thông tin, cảm nghĩ về sự kiện 30/04/1975.
    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/foru...gay_giai_phong

  4. 4 thành viên Like bài viết này:


  5. #3
    Tham gia
    22-07-2005
    Bài viết
    9,146
    Like
    612
    Thanked 2,879 Times in 1,409 Posts
    30/4 chỉ như ngày lễ Vu Lan
    Nguyễn Bách Nguyệt Châu
    Gửi cho BBC từ Hà Nội
    13 tháng 4 2015


    Cảnh chụp ở Huế, tháng Ba 1968


    Không phải sinh ra trong thời chiến, những hiểu biết của tôi về chiến tranh Việt Nam đều là do cha ông kể lại, qua sách vở, và qua thời gian còn là học sinh.

    Tôi xuất thân từ một gia đình bần cố nông ở miền Bắc. Ông nội tôi từng tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và được tặng nhiều Huân, Huy chương từ hạng Nhất đến hạng Ba. Sau đó ông còn làm ở tỉnh, rồi mấy khoá Chủ tịch xã.

    Ông ngoại tôi là liệt sỹ, mất trong chiến tranh, nghe nói lúc đó mẹ tôi còn rất bé. Anh trai tôi thì hiện tại đang công tác trong quân đội với hàm Thiếu tá.

    Còn tôi, hơn 10 năm công tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, tôi cùng đồng nghiệp đã công bố hơn 60 công trình khoa học, trong đó có rất nhiều bài báo trong các tạp chí Science Citation Index (SCI), đồng thời cũng tham gia mấy chục đề tài, chủ nhiệm vài đề tài khoa học. Tôi cũng đang hoàn tất luận án Tiến sỹ ở một quốc gia châu Âu do nước đó tài trợ học bổng.

    Với những điều kể trên hẳn mọi người cũng hiểu gia đình tôi thuộc thành phần có công với ‘cách mạng’.

    Được học tập ở một đất nước tiên tiến, dân chủ nên tôi có cơ hội tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam. Và những điều tôi biết lại trái ngược hoàn toàn với những điều tôi đã được nhồi sọ như khi còn ở trong nước.

    Người Việt Nam được coi là hiền lành, yêu hoà bình, là một dân tộc mạnh mẽ chống lại mọi kẻ thù xâm lược, kể cả kẻ thù mạnh nhất. Nhưng chắc chắn sẽ tốt hơn nếu không có những ngày dân tộc Việt Nam tàn sát lẫn nhau.

    Cách đây mấy hôm, bạn tôi hiện đang làm việc trong nước có đăng một trạng thái trên mạng xã hội như thế này “Kỉ niệm 30/4 là kỉ niệm ngày dân tộc Việt Nam tàn sát nhau đẫm máu nhất trong lịch sử!”.

    Việt Nam Cộng Hoà đã từng là một quốc gia thực thụ, điều đó đã được quốc tế công nhận, nhưng đã hoàn toàn bị tiêu diệt vào ngày 30/4 năm 1975.

    Kèm theo đó là rất nhiều người chết, rất nhiều người mất nhà cửa và phải chạy chốn khỏi quê hương. Đó chính là một hành động xâm lược của chính quyền miền Bắc Việt Nam.


    Chúng ta có đáng để tự hào khoe khoang nếu như ta sang nhà hàng xóm giết chết ông bố của một cậu bé chỉ vì ông bố đó không nghe lời mình và nói với cậu bé rằng mình đã giải phóng cho cậu bé khỏi kẻ thù?

    Một bộ phim tôi từng xem đó là “Mùi cỏ cháy”. Bộ phim kể về cuộc chiến “giải phóng dân tộc” vào những năm quân đội chính quyền miền Bắc vượt qua vĩ tuyến 17, đánh chiếm Quảng Trị. Cuối bộ phim tôi không thể không đau xót khi xem cảnh chính người Việt Nam giết người Việt Nam. Những xác chết của những người lính bảo vệ chính quyền của mình nằm ngổn ngang. Nhưng những người lính bảo vệ chính quyền miền Nam chết nhiều hơn, họ cũng cố gắng bảo vệ đất nước họ khỏi sự xâm lược.

    Tuy nhiên những gì chúng tôi được học, được dạy dỗ thì những ngày đó là những ngày giải phóng dân tộc, là những ngày quét sạch giặc Mỹ và bè lũ tay sai. Và ngày 30/4 là ngày đánh dấu đất nước hoàn toàn thống nhất, đáng phải ăn mừng kỷ niệm, đáng phải liên hoan văn nghệ…

    Sài Gòn trước năm 1975 được coi là Hòn Ngọc Viễn Đông (Pearl of the Far East) của châu Á có kinh tế cực kỳ phát triển. Vậy mà sau khi thống nhất đất nước, chúng ta còn kém xa Hàn Quốc, một quốc gia có xuất phát điểm như Việt Nam.

    Rõ ràng Việt Nam hiện nay có nhiều vấn đề trái ngược với sự phát triển của nhân loại.

    Nào là ô nhiễm môi trường, những dòng sông đen giữa lòng thủ đô. Giáo dục xuống cấp, nhiều người chẳng cần học gì nhưng vẫn mua được bằng, kiếm được công việc tốt hơn so với những người học thực thụ.

    Đất nước nhiều tài nguyên là thế, nhưng người dân được hưởng lợi gì? Các học sinh vẫn đều phải đóng học phí, mọi người phải trả tiền cho y tế, phải trả tiền cho phí đi đường…


    Một người bạn Czech của tôi thì sau khi du lịch ở Hà Nội về đã hỏi tôi một câu cay cú: Tôi không hiểu tại sao anh lại có thể sống và làm việc ở Hà Nội?”

    Nếu không có những ngày “thống nhất đất nước”, chắc chắn Sài Gòn sẽ phát triển hơn rất nhiều so với hiện tại. Khi đó những người như chúng tôi có lẽ chẳng phải đi học ở đâu xa.

    Riêng tôi, ngày 30/4 chẳng khác gì ngày rằm tháng 7, là ngày lễ Vu lan, ngày thắp hương cầu siêu xin sự tha thứ của những oan hồn, những người chết vì một cuộc chiến không đáng có.

    Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả, được gửi tới BBC sau khi BBC mời độc giả tham gia viết bài vở, đóng góp tư liệu, chia sẻ thông tin, cảm nghĩ về sự kiện 30/04/1975 về địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk.
    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/foru..._304_le_vu_lan

  6. 3 thành viên Like bài viết này:


  7. #4
    Tham gia
    22-07-2005
    Bài viết
    9,146
    Like
    612
    Thanked 2,879 Times in 1,409 Posts
    Làm gì để hóa giải hận thù ngày 30/04?
    Nhà văn Nam Dao
    Gửi tới BBC từ Quebec, Canada


    Ông Võ Văn Kiệt đã có những phát biểu gây xúc động về ngày 30/04

    Ngày 30-4, ngày nếu có một triệu người vui, cũng là ngày có một triệu người buồn.

    Câu nói trong quá khứ của ông Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng chủ trương chính sách Đổi Mới, được lập đi nhắc lại nhưng liệu có còn chính xác với tình thế hiện tại của đất nước?

    Ngày nay, kinh tế tụt hậu, hàng xuất là lao động giá bèo, cái đinh vít cũng không làm được mà nhập hàng ngoại tuốt tuột, nợ chồng chất. Rồi tham nhũng lên đỉnh cao, đạo đức xã hội xuống cấp, bạo hành từ nơi công quyền đến lề đường xó chợ, dân oan mất nhà mất đất vẫn chỉ biết kêu thất thanh trên khắp ba miền, và nhất là hiểm họa mất biển mất đất vào tay những 'đồng chí đàn anh' phương Bắc ngày một trầm trọng.

    Nên nếu có một triệu người vui, số người buồn chí ít cũng phải vài chục triệu. Thế nhưng guồng máy quyền bính đương thời đang chuẩn bị các loại lễ hội, xây dựng một lô tượng đài, chắc hẳn những từ ngữ như chiến thắng, giải phóng...sẽ lại phô trương đến bị bào mòn để lẩn vào vô thức một dân tộc mà sự phân hóa có khả năng trở thành phân liệt chia rẽ dài hạn.

    Trong trường hợp này, người Việt chúng ta không tập hợp được nội lực dân tộc lẽ ra phải có, đất nước tụt hậu dài dài, chủ quyền bị gậm nhấm rồi và chẳng thế nào tránh được thân phận nô thuộc ngoại bang.

    Ngày 30-04-1975 là ngày kết thúc một cuộc chiến tranh, có người gọi là chiến tranh giải phóng, người cho là chiến tranh ủy nhiệm của hai khối Tư Bản và Cộng Sản đối đầu trong thời Chiến Tranh lạnh...

    Dù gì, khí giới là khí giới Nga, Tàu, Mỹ...và xác người, xác Việt Nam mà con số tử trận và thương vong lên đến cả chục triệu. Năm nay, năm 2015.

    Sau 40 năm hò reo chiến thắng và vinh quang, lẽ ra những người đang nắm quyền lực phải nghĩ, dẫu muộn, đến vấn đề hóa giải hận thù trong lòng người Việt Nam trong nước cũng như ở hải ngoại.

    Ngược dòng lịch sử nước ta, ngay sau khi chiến thắng quân Nguyên xâm lăng hơn 600 năm trước, Vua Trần Nhân Tông, một minh quân kiệt xuất, đã đốt hết thư tịch làm bằng chứng tố cáo đám người theo giặc, tránh trả thù , không truy bức để yên lòng dân.

    Trong cuộc nội chiến Nam-Bắc ở Mỹ, điều kiện đầu hàng mà tướng Grant phía Bắc- quân (Union) viết cho tướng Lee phía Nam-quân (Confederate) ghi rõ chỉ tịch thu khí giới, cho phép binh lính Nam-quân về làm ăn sinh sống bình thường trong đời sống dân sự.

    Nhưng năm 75, chính quyền gọi là chính quyền Cách Mạng, tiếp tục dùng chữ ngụy-quân, ngụy-quyền để chỉ những người thua trận, và sau đưa ra chính sách học tập cải tạo mà mục đích là cầm tù hành hạ họ, ra oai để yên dân bằng sự sợ.

    Chính sợ hãi là yếu tố khiến hàng trăm ngàn thuyền nhân liều mạng phiêu lưu trên biển cả, đánh cược mạng sống của mình và gia đình, hậu quả là số bỏ mạng lên tới trên dưới 500 ngàn người.

    Đào sâu, đục rộng sự phân hóa nhưng leo lẻo chuyện hoà hợp hòa giải dân tộc chỉ là mảnh vải thưa, làm sao che mắt ai trong thời buổi thông tin bừng nở của thiên niên kỷ này.

    Hóa giải hận thù, điều kiện cần

    Trong hầu hết mọi tôn giáo - ở nước ta chủ yếu là Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo - hận thù là cái phải cởi, không nên buộc. Hoá giải hận thù là điều kiện cần khiến hòa giải mới có khả năng thành hiện thực.

    Hòa giải giữa nạn nhân và những kẻ tác nghiệp chỉ khả thi khi những bên đối tác cùng có tâm thế nhân ái bao dung, đồng thời tôn trọng sự thật, công lý, và cố gắng xua đi những bồng bột cảm tính.

    Nếu hai bên có tinh thần đối thoại, lắng nghe và tìm hiểu lý lẽ chứ không khăng khăng xác quyết chân lý của riêng mình, sự tháo gỡ hoặc giảm thiểu tính đối đầu ăn thua có khả năng hiện thực, và từ đó một lộ trình hòa giải mới có thể thành hình.

    Sau ngày một phía gọi là ngày mất nước, phía bên kia gọi là ngày Giải phóng, chính sách Học tập Cải tạo (HTCT) đã đưa vào cảnh tù tội khổ sai cả trăm nghìn người.

    Nạn nhân là người trong guồng máy chính quyền Việt Nam Cộng hòa, các quân nhân, trí thức văn nghệ sĩ... bị tập trung và giam giữ trung bình từ 2,3 cho đến 12, 13 năm.


    Những nạn nhân đó có quyền đặt một số vấn đề, chẳng hạn Học tập Cải tạo do đâu nếu không đơn thuần là trả thù; thời hạn giam giữ dài ngắn là vì sao, có hợp lý hợp tình không; và những hậu quả liên quan đến bản thân (bệnh tật) và gia đình họ (chia ly, phân tán...) phải được bù đắp bồi hoàn thế nào?

    Về phía tác nghiệp, lẽ tất nhiên họ phải nhận trách nhiệm và trả đáp những câu hỏi trên. Trách nhiệm cao nhất là trách nhiệm chính trị thuộc về những người làm ra chính sách, sau mới đến trách nhiệm những người điều hành ở các cấp trung, cao.

    Kèm vào tác động khủng bố tâm lý của chính sách Học tập Cải tạo, chiến tranh với Campuchia và sau là chiến tranh biên giới với Trung Quốc, kẻ 'dạy Việt Nam một bài học', sự hoảng sợ lan rộng trong nhiều tầng lớp nhân dân, nhất là ở thành thị ngày một ngột ngạt vì không còn được sinh hoạt tự do như trước đây.

    Đồng thời, phong trào đánh tư sản mại bản và hai lần đổi tiền khiến nhiều người mất hết cơ nghiệp. Dẫu biết đầy bất trắc hiểm nguy đến tính mạng, họ đánh liều vượt biển nhân dịp người gốc Hoa 'được' ra đi chính thức hoặc bán chính thức.

    Thảm kịch thuyền nhân, với những con thuyền đuôi tôm hai blốc đầy ắp người lênh đênh tìm đường sang Phi, Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương...chết chìm trong lòng Thái Bình Dương là một vết nhơ cho chính quyền đã không giữ nổi con dân trên xứ sở của mình mà lại còn xua đuổi và nhân cơ hội cướp trắng.

    Ban đầu, giá chính thức cho một đầu người là 16 cây vàng. Sau, vàng cạn, giá tuột xuống 12, rồi 8, 6 và cho đến giữa thập niên 80 thì chỉ còn 2 cây, số cây tỉ lệ nghịch với độ rủi ro phải chấp nhận. Theo những ước lượng của Liên Hiệp Quốc, số người chết trên biển khoàng bốn trăm ngàn đến năm trăm ngàn người.

    Đã thế, khi những người tị nạn - nay là người gốc Việt sinh sống ờ hải ngoại - dựng tượng tưởng niệm nạn nhân vượt biển trên những hòn đảo ở Mã Lai, Nam Dương... những kẻ nắm quyền ở Việt Nam làm áp lực lên chính quyền các nước ASEAN nói trên yêu cầu triệt hạ những bức tượng đó.

    Đồng thời, họ leo lẻo 'Việt kiều là khúc ruột ngàn dặm', và mới đây vài năm ra Nghị quyết 36 kêu gọi lòng yêu nước, hô hào góp tay xây dựng quê hương qua điều vốn đầu tư, và cả, dĩ nhiên, qua cả cách gửi tiền về giúp bà con, hiện lượng tiền gửi về nay trên dưới 10 tỷ USD mỗi năm.

    Nạn nhân của chính sách 'thu vàng đuổi người' nếu đã chôn thây dưới đáy biển thì vẫn còn những người thân trong gia đình họ. Như chứng nhân, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, họ có quyền hỏi đâu là công lý, tại sao có cái chính sách đó, và toàn thể nhân dân có lý do thắc mắc số vàng thu được đi đâu, vào tay ai, được xử dụng như thế nào cho đất nước.

    Công khai bạch hóa những vấn đề này là một bước không nhỏ góp phần vào triển vọng ổn định lòng người.

    Biểu hiện tinh thần hóa giải hận thù nhân ngày 30-04 lần thứ 40:

    Nếu thực sự chính quyền đương nhiệm không chỉ đề cập đến bốn chữ Hòa Hợp Hòa Giải như một chiêu bài 'đánh bùn sang ao', ồn ào rỗng tuếch, thì hy vọng họ sẽ gọi ngày 30-4 là Ngày Hóa Giải Hận Thù.


    Và trong tương lai họ cần cho dựng ở những địa phương từ Bắc chí Nam :

    1- Tượng đài Thương Tiếc những người lính hy sinh trong chiến tranh, không phân biệt Bắc - Nam, Quốc- Cộng.

    2- Tượng đài Ghi Ơn mẹ Việt Nam, không cần thêm chữ anh hùng, chữ được hiểu là mẹ những người hy sinh cho chế độ độc trị hiện hành.

    3- Đàn Giải Oan cho những nạn nhân bỏ mạng trên biển cũng như đất liền ở mọi nơi.

    Đề nghị thế, nhưng trước mặt chúng ta chẳng hy vọng gì vào chính quyền đương nhiệm.

    Theo thiển ý, 22 tổ chức Xã hội dân sự độc lập hiện đang hoạt động trong nước có thể cổ vũ ý kiến nêu trên, thậm chí dựng tượng đài một cách tượng trưng, không cần 'hoành tráng', cái chính là trong lòng dân.

    Mặt khác, vào ngày 30-4, chúng ta có thể vận động người ra đường với áo kẻ chữ hai chữ Hóa Giải, hoặc Ghi ơn Mẹ Việt Nam, hoặc Thương Tiếc Các Anh, như thông điệp gửi đến toàn thể đồng bào.

    Hội Đồng Hòa Giải Dân Tộc

    Trên thế giới, sau những cuộc đổi đời trong những quốc gia từng có những bất công, bạo hành, và những vi phạm quyền con người...thì nhiều nước đã thành lập những Hội đồng hòa giải dân tộc (Commission for National Reconciliation, hoặc Commission for Truth and Reconciliation).

    Có thể kể Nam Phi khi Mandela lên nắm chính quyền, Pakistan dưới thời Musharraf, rồi Palestine, Liberia, Algeria...và ở Á châu có Đông Timor sau khi ly khai khỏi Indonesia.

    Mỗi quốc gia, vấn đề một khác. Nơi thì chủ yếu khác biệt sắc tộc, nơi khác biệt tôn giáo... đã là nguồn gốc của hận thù và sự phân liệt cần được hóa giải.


    Theo tinh thần chủ đạo là Hòa Giải dân tộc nên, như một hệ luận, phương thức tiến hành của Hội Đồng tóm gọn là:

    1/ Tìm hiểu sự thật lịch sử, xác minh ai tác nghiệp (gọi là tác nhân), và dựa trên sự xâm phạm quyền con người, ai là nạn nhân, ai là chứng nhân. Hội Đồng có trách vụ tạo điều kiện cho họ đối thoại, giải trình, biện minh và đả thông mọi mâu thuẫn, vướng mắc...

    2/ Yêu cầu nói trên phải thực hiện với tiêu chuẩn thông tin công khai, minh bạch của mọi tác nhân, nạn nhân, và chứng nhân trước công luận.

    3/Hội đồng có ý kiến về vấn đề qui trách nhiệm cho những tác nhân. Cần phân biệt a- Trách nhiệm chính trị (là trách nhiệm hoạch định chính sách); b- Trách nhiệm điều hành chính sách cấp cao và trung; và c- Trách nhiệm dân sự.

    4/Trong một số quốc gia, Hội Đồng có thẩm quyền điều tra những lũng đoạn kinh tế, thất thoát kinh tế, tham nhũng, hối lộ cửa quyền... và đề đạt lên cơ quan có thẩm quyền thuộc ngành Tư Pháp những mức độ xử lý, từ ân xá đến yêu cầu truy tố, và tùy trường hợp cụ thể, qua Toà án quốc gia hay Tòa án quốc tế.

    và từng bước đi đến mục tiêu hòa giải dân tộc.

    Con đường không ngắn, nhưng cũng không buộc là dài. Và trong bất cứ trường hợp dài ngắn thế nào đi chăng nữa, chúng ta rồi thì cũng sẽ đối mặt với nhiệm vụ này như một nhiệm vụ lịch sử.

    Hy vọng từ đó chúng ta sẽ không dẵm lên những lối mòn đầy tai ương, để thẳng tiến trên con đường đến tương lai mà không bị xảo ngôn của những lý thuyết huyễn hão sập bẫy như từ bao nhiêu năm nay.

    Để tạm kết, xin chép lại bốn câu thơ của Cao Tần:

    Nếu mai mốt có đổi đời phen nữa
    Ta đi về ta cứu lấy quê hương
    Ta sẽ mở ra nghìn lò cải tạo
    Lùa cả nước vào học tập yêu thương.


    Và thành tâm mong sao các vị 'lo trước cái lo của thiên hạ', các chuyên gia, trí thức trong những ngành như Triết, Sử, Luật...và tất cả những Tổ chức Dân Sự Độc Lập góp tay vào sửa soạn nhằm thực hiện những đề đạt trình bày trong bài viết này.

    Tất cả, vì con em, và cho con em chúng ta. Có thế, ta mới 'vui sau cái vui của thiên hạ' được.

    Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà văn Nam Dao từ Quebec, Canada, gửi tới BBC hôm 12/04/2015. Đánh dấu sự kiện lịch sử tròn 40 năm ngày chấm dứt Cuộc chiến Việt Nam, BBC mời quý vị tham gia viết bài vở, đóng góp tư liệu, chia sẻ thông tin, cảm nghĩ về sự kiện này và gửi về vietnamese@bbc.co.uk
    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/foru...iai_phap_la_gi
    Được sửa bởi Arkain lúc 05:09 ngày 19-04-2015

  8. 3 thành viên Like bài viết này:


  9. #5
    Tham gia
    22-07-2005
    Bài viết
    9,146
    Like
    612
    Thanked 2,879 Times in 1,409 Posts
    Sứ vụ của người trẻ
    Nguyễn Thái Tuấn Anh
    Gửi cho BBC từ Canada
    13 tháng 4 2015


    Xe tăng quân chiến thắng trước cửa Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975

    Lúc nhỏ, phần lớn những hiểu biết của tôi về chiến tranh Việt Nam là từ những trải nghiệm của ông bà cha mẹ kể lại.

    Tôi nhớ vào tuần lễ gần tới 30/4, truyền hình thường dành giờ vàng chiếu phim tài liệu, cải lương, vở tuồng về quân đội Việt Nam, về các bà mẹ Việt Nam anh hùng và các chiến công cũng như cảnh xe tăng tông vào Dinh Độc Lập.

    Tôi nhớ nhất cảnh đó, đối với suy nghĩ quá đỗi ngây thơ của mình, và với những hiểu biết được dạy trong trường lớp, tôi thấy tự hào lắm. Nào là người Việt nhỏ bé chiến thắng đế quốc Mĩ, đánh đuổi thực dân Pháp, và cả bọn phát xít Nhật.

    Tôi thật sự biết ơn cha mẹ của mình khi cho tôi được du học. Một trong những cơ hội mà tôi nhận được khi đi du học là được tiếp xúc với cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

    Tôi biết rằng, cô chú bác ở đây rất ghét cộng sản. Tất nhiên, khi lần đầu tiên nhìn thấy cờ vàng ba sọc đỏ, hay bài quốc ca mà họ hát. Tôi bị sốc. Tôi sốc vì tôi tổ chức ăn mừng, vui cười vào ngày 30/4 ở Việt Nam trên nỗi đau của hàng triệu người tị nạn, hàng triêu người lính hai miền đã nằm xuống. Tôi càng sốc hơn vì mình thờ ơ, ngu dốt vô cùng. Sống hơn 20 năm trên đời mà đến bây giờ tôi mới hiểu được phần còn lại của câu "triệu người vui, cũng như triệu người buồn" của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt.

    Tôi dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam theo quan điểm của những người bị gọi là “ngụy”. Ngày 30/4/1975, người miền Bắc gọi giải phóng, thì người miền Nam gọi là mất nước. Suy cho cùng thì những thuyền nhân, những bà mẹ mất con, những người vợ mất chồng, con mất cha mới chính là nạn nhân của chiến tranh. Tôi rất tức giận khi thấy sinh mạng của người dân mình, đất nước mình như là bàn cờ của các đế quốc. Càng tìm hiểu nhiều hơn, cái suy nghĩ hận thù chế độ cộng sản ban đầu mà tôi cảm nhận được khi đi du học, nó dần chuyển thành sự cảm thông cho người dân ở hai miền đất nước. Tôi nghĩ rằng, khi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, ông ấy cũng mong một đất nước Việt Nam tự do, phồn thịnh và minh bạch.

    Tin tức bây giờ cứ tập trung vào việc sự bành trướng của Trung Quốc. Giặc ngoại xâm không nguy hiểm bằng giặc nội xâm, lịch sử đã chứng minh cho tôi thấy điều đó. Cái văn hóa Á châu, hay đặc biệt hơn là người Việt Nam, rất chú trọng gia đình, về yếu tố con người.

    Tôi nghĩ song song với việc phát triển kinh tế, chính phủ phải kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn trong việc giải hòa những hận thù, những mâu thuẫn của người Việt trong và ngoài nước. Tôi không hận ai cũng chẳng ghét ai. Tôi chỉ thấy thương người Việt mình, 40 năm chiến tranh kết thúc mà hận thù vẫn còn đó, mâu thuẫn vẫn còn đó. Cái trách nhiệm giải quyết vấn đề này là ở thế hệ chúng tôi, không phải nợ của con cháu chúng tôi.

    Tôi luôn ước muốn rằng, ngày 30/4 không phải là ngày giải phóng đất nước mà được gọi là ngày hòa giải, ngày đoàn tụ. Vào ngày này, những người con Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới trở về quê hương ôm lấy bà con, gia đình mình trong hạnh phúc. Những người lính cộng hòa, lúc ra đi trong nước mắt, thì bây giờ được quay về trong vòng tay rộng mở của những người từng là kẻ thù của mình, trong nước mắt, họ xin lỗi nhau, vì lần đầu tiên, nước Việt Nam mới thật sự thống nhất.

    Tôi chấp nhận rằng là tôi không đủ dũng cảm như một số nhà báo, luật sư dám đứng lên, thẳng thắng chỉ trích một nhà nước không minh bạch. Tôi chỉ mong những bậc tiền bối đừng từ bỏ hy vọng vào thế hệ chúng tôi.

    Lúc nào, trong lòng của tôi cũng thao thức mong tìm được cách nào đó để khai sáng cho các nhà lãnh đạo hiện tại dám thay đổi. Một nhà lãnh đạo thật sự là người luôn đặt lợi ích của người dân trên lợi ít cá nhân.

    Nhà nước phải khuyến khích tự do báo chí để những việc tham nhũng, lạm quyền, hối lộ bị đưa ra công lý. Hệ thống giáo dục cần được cải cách, môn lịch sử phải được chú trọng, chiến tranh Việt Nam cần được phân tích ở cả hai quan điểm của người thắng cuộc lẫn thua cuộc, để thế hệ trẻ học lịch sử hiểu rõ chiến tranh tàn khốc thế nào, để họ xây dựng một đất nước hào bình, độc lập, tự do, hạnh phúc và không vấp phải những sai sót mà tiền nhân đã đi qua.


    Tác giả đang là du học sinh ở Canada.

    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/foru...u_vu_nguoi_tre

  10. 3 thành viên Like bài viết này:


  11. #6
    Tham gia
    22-07-2005
    Bài viết
    9,146
    Like
    612
    Thanked 2,879 Times in 1,409 Posts
    Cái giá của ngày 30/4
    Nguyễn Văn Châu
    Gửi cho BBC từ Texas
    17 tháng 4 2015


    Hình chụp ở TP. HCM đánh dấu 40 năm kết thúc chiến tranh

    Trong thời gian này hằng trăm bài xã luận sẽ đề cập đến mốc lịch sử ngày ba mươi tháng tư năm 1975, hoặc như ngày thống nhất đất nước, ngày chiến thắng vinh quang nhất lịch sử theo luận điệu Ðảng Cộng Sản Việt Nam và những người xu nịnh ĐCSVN, hoặc như ngày quốc hận theo quan điểm của người Việt chống cộng hay không thân cộng trong nước cũng như ngoài nước.

    Có lẽ đây là một cơ hội tốt để cả hai bên cùng nhau ôn lại vài bài học mà nhân dân Việt Nam đã phải trả mua bằng giá rất đắt.

    Ðộc Lập, Thống Nhất và Chiến Tranh

    Sau Thế Chiến Thứ Hai, các nước thực dân trên thế giới đứng trước hoàn cảnh mới và khí thế mới của các phong trào nhân dân đòi lại độc lập trên toàn cầu đành phải đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác và cuối cùng phải cúi đầu công nhận nền độc lập của các quốc gia mà họ thống trị trước đó.

    Chế độ thực dân suy sụp và chủ nghĩa đế quốc đã đến thời kỳ cáo chung. Chúng ta cứ nhìn vào Nam Dương và Việt Nam, hai nước cùng tuyên bố độc lập vào mùa thu 1945. Hòa Lan công nhận quyền độc lập Nam Dương vào năm 1949. Pháp chỉ công nhận chủ quyền Bắc Việt Nam năm 1954, sau khi chiến tranh Pháp Việt đẩm máu gây trên 300,000 binh sĩ và trên một triệu thường dân Việt Nam bị tử thương,

    Trong lúc đó, chế độ thực dân Anh chấm dứt ở Ấn độ vào năm 1947, đưa đến độc lập cho Ấn Độ và Hồi Quốc. Việc này cũng xảy ra ở Miến điện và Tích Lan vào năm 1948. Phi luật Tân lấy lại từ Hoa Kỳ quyền độc lập vào năm 1946 .

    Phần lớn các nước nhược tiểu ở châu Á, châu Phi không cần đổ máu nhân dân, chiến đấu trường kỳ, bần cùng hóa dân tộc, phá hủy bao nhiêu công trình văn hóa của đất nước mà vẫn đạt được mục đích giải phóng quốc gia và lấy lại quyền độc lập cho xứ sở nhanh chóng hơn ta. Phải chăng vì các nước đó đã có những nhà lãnh đạo sáng suốt có cái nhìn chiến lược, thấu hiểu sự suy tàn của chủ nghĩa thực dân, nên đã ứng dụng phương thức đàm phán, đấu tranh không võ trang, không bạo động để tiết kiệm xương máu nhân dân.

    Phải chăng nhân dân ta đã không tiết kiệm được xương máu, đã phải chứng kiến bao nhiêu tàn phá, cùng khổ vì các nhà lãnh đạo Cộng sản thời đó không có cái nhìn chiến lược? Hay tệ hơn nữa họ đã có những mục tiêu khác thay vì mục tiêu dành quyền độc lập và thống nhất cho xứ sở trái lại theo đuổi mục tiêu tận diệt các đảng phái cách mạng khác và tất cả những người Việt Nam không cùng chính kiến với họ?

    Ai Chia Cắt Việt Nam?

    Cuối cùng, sau chín năm máu lửa, hòa hội Genève quyết định số phận Việt Nam. Pháp và Trung Cộng đã đi đêm với nhau và đưa ra giải pháp chia cắt Việt Nam thành hai mảnh. Thủ Tướng Phạm Văn Đồng đành phải nghe theo nước đàn anh phương bắc, chính quyền Ngô Đình Diệm nhất quyết không nghe lời Pháp và Trung Cộng, và cuối cùng không ký vào bản hiệp định đó.

    Sông Bến Hải và Vĩ Tuyến 17 đã phân chia Nam, Bắc. Người miền Nam gọi ngày đất nước bị qua phân (20 tháng 7) là ngày Quốc Hận từ năm 1954 đến năm 1975.

    Vì đất nước bị qua phân, nên chỉ năm năm sau Bộ Chính Trị Bắc Việt lại đưa nhân dân ta vào chiến tranh một lần nữa, và lần này chiến cuộc kéo dài mười lăm năm, với ba triệu người Việt bị tử vong.

    Từ 1960 đến 1975

    Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN) chỉ có danh mà không có thực. Không mấy ai ở Việt Nam tin rằng MTGPMN là một tổ chức độc lập. Ai cũng thừa biết MTGPMN được Bắc Việt thành lập, chỉ huy và điều động. Chỉ có báo chí ngoại quốc mới nhắm mắt dùng tổ chức ngụy trang này để mô tả chiến cuộc từ năm 1960 đến năm 1969, và những năm 1970 đến 1973 là một phong trào võ trang của nhân dân Miền Nam nổi lên chống chính quyền Miền Nam.

    Bằng chứng MTGPMN hoàn toàn ở trong bàn tay của chính quyền Hà Nội là: 1. sự thành lập Văn Phòng Trung Ương Cục Miền Nam vào năm 1960, đặt trực tiếp dưới quyền chỉ huy của Ban Chính Trị, Ðảng Cộng Sản Việt Nam; 2. lực lượng võ trang của MTGPMN là Quân Ðội Giải Phóng Miền Nam đã bị ném vào hơn mười đô thị trong một cuộc tổng tấn công thiếu chuẩn bị vào dịp Tết Mậu Thân (1968 để đến nỗi trên hai trăm ngàn binh sĩ bị tử vong ; 3. chỉ một năm sau ngày 30 tháng tư 1975 thì tất cả tổ chức ở Miền Nam kể cả Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời đều bị xóa bỏ.

    Nói Chiến Tranh ở Việt Nam, nói đến sự mất còn của Miền Nam thì không thể không đề cập tới Tổng Thống Ngô Đình Diệm, người đã nhất thiết không để Hoa Kỳ đổ quân vào Việt Nam, và vì vậy đã bị lật đổ và giết chết một cách tàn bạo.

    Nhưng rồi Mỹ vào thì Mỹ lại ra, chỉ tội nghiệp cho bao nhiêu người Việt, người Mỹ bị thiệt mạng hay tàn phế.

    Hoa Kỳ đã đạt được mục tiêu chiến lược của họ là nhân sự leo thang của họ trên chiến trường và việc xử dụng vũ khí tối tân đã khiến nhà cầm quyền Bắc Việt phải ôm chân Nga Sô, tạo ra thù hiềm và kình địch giữa Nga Sô và Trung Cộng.

    Miền Nam không những bị Mỹ bỏ rơi mà còn bị trói buộc của Hiệp Định Paris 1973.

    Chỉ cần thêm vào đó vài sai lầm chiến lược của nhà cầm quyền hồi đó là cả Miền Nam sụp đổ.

    Năm 1975 Ðảng Cộng Sản Việt Nam lại có một cơ hội nữa để thực sự thống nhất đất nước, xóa bỏ hận thù để toàn dân tham gia vào việc xây dựng quốc gia. Nhưng họ đã không làm như vậy. Chiêu bài yêu nước yêu dân đã bị lột bỏ. Chính quyền miền Bắc đã đưa gần một triệu dân Việt Nam vào các trại tù cải tạo, đày đọa gia đình họ, làm cho hàng triệu gia đình người miền nam điêu đứng bao nhiêu năm qua. Chính quyền đã khiến bao nhiêu người Miền Nam phải bỏ xứ sở để ra đi.

    Khó tìm thấy lý do gì để gọi ngày 30 tháng 4 1975 là một ngày vinh quang của dân tộc.

    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/foru...au_304_suynghi

  12. 3 thành viên Like bài viết này:


  13. #7
    Tham gia
    22-07-2005
    Bài viết
    9,146
    Like
    612
    Thanked 2,879 Times in 1,409 Posts
    Hãy để 30/4 như một ngày bình thường
    Johnny Phạm
    Gửi cho BBC từ Anh Quốc
    12 tháng 4 2015


    Ngày 30/4 được tác giả liên hệ với những ký ức trong gia đình, lớp người đi trước, bạn bè và bản thân thuộc thế hệ 9X.

    Tôi sinh ra và lớn lên sau gần 20 năm đất nước được “giải phóng”.


    Hầu như chỉ nghe bà nội kể và nhà trường rao giảng: “30/4 là ngày giải phóng đất nước khỏi Đế quốc Mỹ xâm lược”.

    Thế nhưng nhiều người mà tôi tiếp xúc lại có cái nhìn khác về cái ngày này.

    Sinh trưởng trong một gia đình hậu duệ cộng sản, bố mẹ tôi được coi như những “hạt giống đỏ” vì ông bà nội ngoại đều là những công thần chế độ.

    Ông nội của tôi từng giữ hàm viện trưởng (tương đương chức thứ trưởng lúc bấy giờ). Ông ngoại của tôi từng cai quản cả một bệnh viện lớn ở Hà Nội thời kỳ “kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

    Bố mẹ của tôi không những thấm nhuần tư tưởng chủ nghĩa xã hội từ bé, mà còn được học hành đến nơi đến chốn.

    Với những thế hệ đi trước

    Nay tôi xin nói về 30/4 với những thế hệ đi trước.

    Hồi nhỏ, khi đi học những trường chuyên lớp chọn ở Hà Nội, chúng tôi đã được ‘quán triệt’ tư tưởng “30/4 là ngày giải phóng đất nước khỏi ách xâm lược của Đế quốc Mỹ, chúng ta phải tự hào vì là dân tộc duy nhất trên thế giới đánh thắng Đế quốc Mỹ”.

    Khi về nhà, tôi hỏi bố tôi có thấy tự hào khi đánh thắng Đế quốc Mỹ không, bố tôi chỉ lẳng lặng trả lời ”Khi nào con lớn sẽ hiểu”. Bản thân bố tôi từng làm nghiên cứu sinh và làm việc tại Warsaw, Ba Lan những năm 1990. Có lẽ khoảng thời gian đó bố có cơ hội được tiếp xúc với mặt trái của chủ nghĩa xã hội.

    Tôi từng hỏi bà nội: “30/4 là ngày gì mà nhiều chương trình văn nghệ thế ạ?” Bà từng trả lời với giọng đầy hả hê: “Là ngày đất nước giải phóng khỏi tay Mỹ-Diệm”.

    Dạo gần đây, khi về Việt Nam, cũng với câu hỏi đó và bà chỉ xua tay đáp “Buồn lắm cháu ạ”. Tôi cũng dần hiểu thế nào là buồn, một con người dành cả đời vì lý tưởng cộng sản mà.

    Mẹ tôi kể rằng, anh họ của mẹ từng giữ chức phó giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Sài Gòn trước năm 1975.

    Sau ngày 30/4, bác ra Hà Nội ăn giỗ, bị anh ruột của mẹ tôi (đến khi nghỉ hưu giữ hàm đại tá của Quân đội Nhân dân Việt Nam) ghẻ lạnh và coi thường ra mặt đến nỗi không thèm ngồi cùng mâm cỗ. Giọng kể của mẹ có chín phần là thương xót cho anh họ, mười phần là không hài lòng với cách hành xử của anh ruột.

    Hồi tôi học cấp ba, trong một tiết học văn sát ngày 30/4, cô giáo bảo các bạn đóng cửa lại và tâm sự: “Nếu ngày 30/4 không xảy ra, có lẽ bây giờ Sài Gòn là Singapore của Châu Á rồi, chúng ta không phải đi du học đâu xa, cứ vào miền Nam mà học, tiền Việt sẽ có giá trị hơn, tiếng Việt sẽ được dạy ở nhiều nơi, văn hóa Việt sẽ vang danh bốn phương gấp nhiều lần, và văn hóa K-pop (nhạc Hàn Quốc) sẽ không thể lấn át thế hệ Việt trẻ như ngày hôm nay”.


    Sài Gòn trước 1975 từng là một đô thị phát triển nổi bật ở trong khu vực, nhất là trong thương mại, kinh tế thị trường.

    Với những 9x bạn tôi

    Còn ngày 30/4 với những bạn bè thế hệ 9x của tôi, tức là thế hệ được sinh ra trong thập niên 1990, thì sao?

    Hồi tôi mới sang Anh du học, vào cái ngày 30/4 đầu tiên xa gia đình, tôi thấy bạn bè Việt Nam đồng loạt thay ảnh cá nhân (trên Facebook) bằng cờ đỏ sao vàng.

    Sau hai năm, hình như 30/4 bây giờ chỉ còn là cái ngày mà news feed (một chức năng theo dõi người dùng trên Facebook) của tôi hiện toàn ảnh đi chơi, ăn uống, và cờ đỏ sao vàng nay còn đâu.

    Có lẽ đối với chúng tôi, 30/4 giống như một ngày thống nhất về mặt địa lý chứ không còn là giải phóng đất nước.

    Quan điểm này có thể không đúng với các bạn ở miền Bắc, nhưng ở miền Nam hình như nó đang càng ngày càng rõ ràng hơn.

    Nhiều bạn trẻ đang tranh đấu cho một đất nước với những quyền căn bản của công dân: Phản biện nhà nước.

    Còn với tôi…?

    30/4 là “ngày giải phóng đất nước” ư, vậy sao người dân Việt Nam vẫn khổ thế?

    Ở trong nước hình như người dân không còn tính người trong cụm từ ‘con người’.


    30/4 là một dịp 'ăn nhậu', 'xả hơi' với nhiều người, trong đó có giới trẻ ở Việt Nam, theo tác giả.

    Ông cưỡng hiếp cháu, nạn đánh chó tàn nhẫn lên hết các mặt báo thế giới, chồng đánh vợ tàn bạo, môi trường ô nhiễm cực độ, tắc đường không lối thoát tại các thành phố lớn, hối lộ tràn lan từ trên xuống dưới, thực phẩm bẩn ngay tại thủ đô, lòng dân oán hận từ ngay trong mỗi bữa cơm tối… là những thứ mà tôi thấy.

    Hãy là ngày bình thường

    30/4 là ngày “giải phóng đất nước” sao một bộ phận người Việt vẫn phải bươn chải tại nơi xứ người?

    Ở hải ngoại, với những nước châu Âu mà tôi đã từng học tập đặc biệt là Anh Quốc, hình như ở London người Việt nổi tiếng nhất là trồng cần sa, sau đó làm nail, và cuối cùng quán ăn. Khi nói về Việt Nam, liên tưởng của lái xe taxi Anh: Chiến tranh Việt Nam (Vietnam War).

    Một người bạn Ấn Độ của tôi kể về ấn tượng đầu tiên khi nghe hai chữ Việt Nam: “Đất nước các bạn rất nổi tiếng với món thịt chó” (đây là con vật biểu tượng của sự trung thành).

    Còn thầy giáo người Anh của tôi (từng dạy học tại Apollo, Việt Nam) thổ lộ: “Lý do tôi không muốn lập nghiệp tại Việt Nam vì tham nhũng Việt Nam quá tràn lan, không hối lộ thì không làm được việc. Mà đối với người Anh, hối hộ là phạm pháp dù anh sống ở đâu”.

    Khi tôi sang Pháp học, một anh chàng người Hoa kể: “Rất nhiều phụ nữ Việt sang miền nam Trung Quốc lấy chồng, mà những mười ông chồng lấy một bà vợ Việt”.

    Bây giờ thay lời kết, tôi nghĩ rằng có lẽ 30/4 hãy nên là một ngày bình thường như bao ngày.

    Không kèn trống, không văn nghệ, hãy để nó trôi đi như bao ngày bình dị khác. Xin các thế hệ đi trước đừng khoác lên cho nó một cái ngày “Quốc Tang” hay “Giải Phóng”. Vì thế hệ trẻ cần một sự kiến tạo chứ không phải một di sản tang thương.

    Hỡi ôi 30/4!


    Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, một sinh viên Việt Nam đang học tập tại Châu Âu.

    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/foru...ay_binh_thuong

  14. 2 thành viên Like bài viết này:


  15. #8
    Tham gia
    22-03-2006
    Bài viết
    7,379
    Like
    2,418
    Thanked 2,098 Times in 1,179 Posts
    Trục đường Pasteur bị block từ đầu tháng Tư để làm lễ đài kỷ niệm 40 năm ngày này, thêm vùng trung tâm SG giờ là một công trường xây dựng nên cấm đường tùm lum. Mỗi chiều dính cảnh kẹt xe mà điên lên được.
    Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang ....

  16. #9
    Tham gia
    22-07-2005
    Bài viết
    9,146
    Like
    612
    Thanked 2,879 Times in 1,409 Posts
    Quote Được gửi bởi kiettt View Post
    Trục đường Pasteur bị block từ đầu tháng Tư để làm lễ đài kỷ niệm 40 năm ngày này, thêm vùng trung tâm SG giờ là một công trường xây dựng nên cấm đường tùm lum. Mỗi chiều dính cảnh kẹt xe mà điên lên được.
    Trong album ảnh Chiến Tranh Việt Nam của lão Lọ, tâm đắc nhất là các bài viết của các chú các bác kể lại những kỷ niệm của riêng mình về những sự kiện xảy ra trong từng tấm ảnh.

    Thay vì "điên lên" trên những con đường bị đóng để chuẩn bị tổ chức ăn mừng chiến thắng, sao các bậc tiền bối không dùng thời gian ấy để ngẫm nghĩ lại quang cảnh những ngày tháng Tư 40 năm trước rồi viết một bài cho chủ đề này gửi cho BBC khi về tới nhà, để chia sẻ với lũ hậu sinh tiểu bối trong cũng như là ngoài nước?

  17. Thành viên Like bài viết này:


  18. #10
    Tham gia
    25-06-2008
    Bài viết
    49
    Like
    0
    Thanked 4 Times in 2 Posts
    Hổm nghe có tay đại té HQ dẫn 2 con Hạm về... tớ lo quá cứ ngỡ lại giải phóng tới nơi - Té ra hắn về thăm quê
    Viễn vông thiệt
    Bác Kền thích chiện 40 năm à Có gì khác với chiện 39, 38, 37, 36... năm trước đâu
    Được sửa bởi TNDH lúc 16:21 ngày 21-04-2015

  19. 2 thành viên Like bài viết này:


Trang 1 / 3 123 LastLast

Bookmarks

Quy định

  • Bạn không thể tạo chủ đề mới
  • Bạn không thể trả lời bài viết
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •